Nỗi đau thương xứng đáng

Trời tối, cả khu vườn im vắng với những môn đồ thân tín quây quần bên Chúa – nhưng Ngài vẫn thấy gần như đơn độc. Dù Chúa đã yêu cầu các môn đồ hãy tỉnh thức và cầu nguyện cùng với Ngài – Bọn họ vẫn bị rơi vào giấc ngủ.

Chúa Giê-Su rời xa khỏi ba người bạn bằng khoảng cách ném một cục đá và quì xuống đất. Ngài bắt đầu cầu nguyên: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này khỏi con! Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý con!...” Trong giờ phút này Ngài muốn có được một sự an ủi, nhưng các môn đồ đương mê ngủ. Cũng người môn đệ ấy trong đêm hôm trước Chúa Giê-Su đã cầu nguyện cho hắn, nhưng đêm nay hắn đã không thể mở mắt được để chia xẻ cùng Ngài trong giờ phút đau thương.

Ngài gọi người có sức khỏe nhất, một ngư phủ, hắn thường làm việc chăm chỉ nặng nhọc cả ngày. “Phi-e-rơ, ngươi có buồn ngủ không? Ngươi không thể thức cùng ta một tiếng đồng hồ sao?” Nỗi đau thương của Ngài không chỉ là vì do xúc động, Ngài cầu nguyện cho có đủ ý chí và sức mạnh để hoàn thành kế hoạch cứu rỗi của mình “Trong cơn rất đau thương, Ngài cầu nguyện càng thiết, mồ hôi trở nên như giọt máu rơi xuống đất” (Lu-Ca 22:45).

Tôi không thể cảm nhận được nỗi đau đớn đó như thế nào. Một sự đau thương khủng khiếp nhất xảy đến cho một con người mà không một ai trong chúng ta đã từng trải qua giống như vậy – dù chúng ta có thể hình dung lại được hình ảnh mình từng bị đau đớn tột cùng và lúc ấy chỉ  cầu mong sớm qua được cơn đau mà thôi.

Khi đọc câu chuyện của Chúa Giê-Su trong vườn Ghết-sê-ma-nê, tôi thực sự bị sốc vì có một chút gì không hợp lý khi con người so sánh những gì Chúa Cứu Thế đã chịu đựng khi Ngài cầu xin được bỏ đi lời hứa chịu chết cho tội lỗi của chúng ta.

Tôi sẽ không bao giờ quên

Lúc đó là 3 giờ sáng, ngày 19 tháng 9 năm 1974. Tôi ôm bụng quằn quại với những cơn đau nhói dọc theo cột xương sống sau lưng và phần bụng dưới. Tôi đã sẵn sàng trong việc sinh nở, nhưng Scott, tên em bé sắp ra đời của chúng tôi có lẽ chưa muốn được hạ sinh. Larry chở tôi vào bệnh viện đêm qua. Trời tối đen và tôi thực sự sợ hãi. Mười hai tiếng đồng hồ sau đó, cơn đau nhói được thay thế bằng cơn đau đẻ toàn diện.

Tôi đã chống lại việc được chích thuốc giảm đau toàn thân  – dù việc chích thuốc giảm đau rất phổ biến trong khoa phụ sản vào thời đó – tôi chờ đợi bác sĩ đến trợ giúp trong việc làm tê những vùng nào cần thiết trên cơ thể. Đây là một bệnh viện nhỏ và bác sĩ sản khoa của tôi lại hành nghề đơn độc. Tôi có thể nghe được tiếng ông nói trong phòng sinh đối diện hành lang, ông đang động viên tinh thần một bệnh nhân cùng phòng tôi vài giờ trước quá trình sinh sản. Tôi đau đớn cực độ. Không một ai ngoại trừ vị bác sĩ đó có thể giúp tôi giảm được cơn đau bằng việc chích thuốc tê.  Sự kiên nhẫn chịu đựng của tôi đã tiêu tan dần khi cơn đau càng lúc càng dữ dội. Tôi nghe giọng nói êm dịu của ông đang hỗ trợ một người đàn bà khác, bỗng nhiên tôi trở nên càng lúc càng giận dữ, cuối cùng không nhịn được tôi đã gầm lên gọi tên ông đòi hỏi đến giúp tôi ngay lập tức! Tại sao ông ta dám làm ngơ trước sự đau đớn cực độ của tôi hơn những người khác. Tôi thực sự không nghĩ mình có thể chịu đựng thêm nổi một cơn đau nữa và tôi muốn ông làm bất cứ điều gì để cơn đau của tôi giảm bớt – vâng! bất cứ chuyện gì trừ việc đụng vào baby của tôi. Vì thiên chức làm mẹ của tôi, không một điều gì có thể lay chuyển ước nguyện làm mẹ trước khi tôi hoàn thành xong chức năng ấy.

Bây giờ, mỗi lần tôi muốn diễn tả tình thương yêu vô bờ bến của tôi dành cho con trai tôi, Scott,  tôi thường bảo hắn “Con rất xứng đáng để mẹ chịu sự đau đớn”. Một ngày nào đó trên thiên đàng, Chúa cũng ngồi cạnh tôi dưới một gốc cây xanh và thay vì nhấn mạnh đến sự hi sinh của Ngài đã làm cho tôi, những giọt máu đào nhỏ xuống vì tôi và sự đớn đau tột cùng cũng như nỗi thương khó mà Ngài đã gánh chịu cho tôi. Ngài sẽ ôm tôi trong vòng tay, kéo đầu tôi sát vào ngực Ngài và bảo: “Con yêu dấu, con rất xứng đáng với những sự đau đớn của ta”.

By Dee Reed

Ngọc-Anh phỏng dịch