Cảm nghĩ nhân mùa Tạ Ơn
Bài viết của Xuân Tê
Hai chữ ‘cám ơn’ từ lâu đã trở thành câu nói quen thuộc trong phong cách cư xử giao lưu giữa con người. Khi nói cám ơn có nghĩa là biểu lộ sư trân trọng một hành động, một cử chỉ, một lời nói, môt đặc ân có khi là tinh thần có khi bằng vật chất, cụ thể chỉ là chuyện nhỏ như cho nhau chút quà chút bánh, có khi đơn giản như trao đổi cái hôn, ánh mắt, nụ cười, nhưng thường là lời khen khích lệ, thăm hỏi xã giao hàng ngày. Nếu người Á đông như người Việt mình vốn kín đáo trong cảm xúc, thương yêu nhau hay để trong lòng, có lúc ngại cả nói lời cám ơn thành tiếng, thì trong ngôn ngữ tiếng Anh, hai chữ ‘thank you’ là câu nói thường xuyên bắt gặp. Đặc biệt ở Mỹ, nơi qui tụ của nhiều di dân tứ xứ thì hai tiếng ‘thank you’ trở thành thói quen văn hóa được phát âm nhiều nhất trong mối sinh hoạt hàng ngày, dù quen hay lạ, dù lớn dù nhỏ, dù già hay trẻ, từ trong gia đình ra nơi làm việc, từ trong hội thánh đến chốn cộng đồng, người ta không hề ngại ngùng có dịp là nói lời cám ơn thân tình trao gửi cho nhau.
Người Mỹ cũng có một nét đặc thù so với các dân tộc khác khi họ đi xa hơn chuyện cám ơn nhau trong quan hệ giữa người với người. Từ vài trăm năm trở lại đây sau ngày lập quốc, họ đặt ra một tập tục để tỏ lòng biết ơn đấng sinh thành chủ tể của trời đất. Họ lập ra lễ Thanksgiving, chọn ba ngày cuối của tuần lễ thứ ba trong tháng 11 hằng năm để làm Lễ Tạ Ơn nhằm đánh dấu sự thương sót của Đức Chúa Trời đã dẫn đưa họ đến vùng đất lạ và ban cho họ sự thịnh vượng nơi đất lành chim đậu, cũng là nơi sau này nhiều sắc dân ở các châu lục khác đổ về lập nghiệp và xứ sở Hiệp chủng quốc Hoa kỳ lại mở rộng vòng tay đón nhận cưu mang.
Lễ Thanksgiving hồi đầu được thiết lập nhằm tháng 11 trùng dịp vừa xong mùa gặt hái, cũng là lúc cư dân muốn dâng lên Thượng Đế những hoa quả đầu mùa, càng về sau lễ hội lại mang nét văn hóa sâu sắc khi biến tập tục này như mùa xum họp của gia đình, dù đi làm ăn buôn bán xa nhà, dù học hành công tác xa quê xa xứ cứ mỗi năm vào mùa Tạ ơn là cha mẹ ông bà con cháu, bạn bè thân tình chòm xóm có dịp gặp gỡ, cùng nhau ăn bữa cơm gia đình truyền thống với những sản vật cây trái gia súc đầu mùa, cùng nhau dâng lên Thiên Chúa những lời hiệp nguyện để tạ ơn Ngài đã ban cho những ơn phước, tài vật suốt năm. Lễ Tạ ơn ở Mỹ ngày nay đã trở thành dịp đi lại bận rộn nhất trong năm, việc sinh hoạt bán buôn dần dà trở nên tấp nập sôi nổi so với các ngày tháng khác cùng năm, nhưng về thiện ý kỷ niệm ban đầu và mục đích tạ ơn Thiên Chúa vẫn không hề thay đổi.
Có một sự trùng hợp về ý nghĩa giữa hai lễ hội, Tết cổ truyền Việt nam và lễ Tạ ơn ở Mỹ. Cả hai đều mang không khí ấm cúng gia đình, nhưng nếu Tết còn là dịp vui chơi, ăn uống thoải mái thì Thanksgiving có phần nặng về ngơi nghỉ, làm tươi mới lại mối quan hệ gia đình và thông công với Chúa vừa củng cố thêm quan hệ cộng đồng, tất nhiên không thể thiếu các sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng. Vốn là loài thọ tạo, số phận con người không do con người tự định đoạt, mà hiển nhiên có sự sắp xếp an bài của Đấng Chí Cao. Ngài làm ra mọi sự, muôn vật đều bởi Ngài, cho nên thái độ biết ơn, tỏ lòng cảm tạ luôn song hành với những điều con cái Chúa muốn cầu xin cậy trông nơi Chúa.
Mấy ai trong chúng ta thường trăn trở như tôi tớ Chúa Đa-vít khi ông hay than thở, tôi sẽ lấy gì báo đáp Đức Giê-hô-va về các ơn lành mà Ngài đã làm cho tôi? rồi tác giả của sách Thi Thiên đã gợi nhắc con người hãy tôn vinh, ngợi khen, chúc tạ danh Chúa, trong đó có lời nguyện ước của chính ông: Chúa là Đức Chúa Trời tôi, tôi sẽ cảm tạ Chúa; Chúa là Đức Chúa Trời tôi, tôi sẽ tôn cao Ngài.
Cho nên nhân mùa tạ ơn Đấng Tạo Hóa cũng là dịp tiện cho các dân tộc ngụ cư trên đất, không hẳn chỉ ở Mỹ, dọn lòng hiệp nguyện cùng hai mươi bốn trưởng-lão đương ngồi ở trước mặt Đức Chúa Trời trên ngôi cao mà cùng hô vang:
Hỡi Chúa là Đức Chúa Trời Toàn năng, là Đấng Hiện Có,
Trước Đã có, chúng tôi cảm tạ Ngài, vì Ngài đã cầm quyền
rất cao trong tay và đã trị vì.
(Khải Huyền 11: 17)
Xuân Tê
(Thanksgiving’09)