Làm Đẹp Trong Năm Mới

Chúng ta hãy thử hình dung một ngôi nhà được khoác lên một lớp sơn tươi mới, sạch sẽ trong năm mới.  Nhưng nếu bên sau lớp sơn mới đó là các cột kèo mục nát và các bức vách nức rạn, nhung nhúc những mối mọt và chuột bọ, không ai trong chúng ta muốn sống trong một ngôi nhà như vậy, vì nó có thể ngã sập, chôn sống gia đình chúng ta không biết lúc nào.  Sự tốt đẹp bề trong của một ngôi nhà cũng rất cần thiết, và đôi khi còn cần thiết hơn cả cái mã tốt đẹp bề ngoài.

Giá trị thật của một căn nhà là như vậy, còn giá trị thật của một con người thì như thế nào?  Trong năm mới, nếu người ta chỉ chăm lo cải tiến vẽ đẹp “vật chất” bề ngoài như y phục, tài sản, tài năng v.v... thì đã mỹ mãn chưa, hay cũng cần nên để ý đến nét đẹp “tinh thần” bề trong như nhân cách, phẩm hạnh, đời sống tâm linh v.v...?

Nhiều người cho rằng chỉ chú trọng đời sống vật chất là đủ, vì trong xã hội tư bản với chủ trương tự do cạnh tranh và đề cao tư lợi, thì tiền và tài là hai yếu tố quan trọng nhất.  Do lối nhìn nầy, trong năm mới, người ta quyết tâm lo kiếm cho thêm nhiều tiền, và các bậc phụ huynh đốc thúc con cái lo chăm chỉ học hành.  Của cải, bằng cấp, địa vị hay danh vọng được xem là mục tiêu tối thượng ở đời.  Nhận xét nầy so với thực tế có đúng hay không?

Chúng ta hãy nghe câu trả lời từ những nhân vật có thẩm quyền, thuộc thành phần gạo cội của nền kinh tế tư bản Mỹ, nơi đầu não và thành trì của tư bản hoàn cầu.  Một trong 3 người giàu nhất thế giới, ông Warren Buffet, vua đầu tư thị trường chứng khoáng nổi tiếng, có nói như vầy: “Sự tin cậy giống như không khí chúng ta hít thở.  Khi có không khí, chẳng ai để ý, nhưng khi không có, mọi người đều biết ngay lập tức.”  Theo ông, lòng tin cậy thật tối cần cho sự sống còn của nền kinh tế tư bản.

Thêm vào đó, cơ quan truyền thông Wall Street Journal, đại diện cho tiếng nói của giới đầu tư và doanh thương Mỹ, đã tuyên bố khi cuộc khủng hoảng tài chánh thế giới xảy ra: “Hệ thống kinh tế tư bản hoạt động dựa trên sự tin cậy”.  Sự tin cậy là chất keo sơn cần thiết, hay là mấu chốt hệ trọng, giữ cho hệ thống kinh tế tư bản đứng được vững vàng.

Nếu ai còn nghi ngờ tầm quan trọng của lòng tin cậy trong các hoạt động của hệ thống kinh tế tư bản, xin nghe lời khẳng định của nhà đại tài chánh J.P. Morgan.  Trong một phiên điều trần trước Quốc Hội Mỹ, ông trùm của các hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ đã tiết lộ bí quyết đầu tư của ông như sau: trong sự giao dịch làm ăn, nhân cách của một cá nhân là điều quan trọng hơn hết, quan trọng hơn cả tài năng hay tài sản.   
 
Các nhân vật được trích trên đây là tiêu biểu của thành phần tinh hoa của nền kinh tế tư bản thế giới.  Nhờ am tường cặn kẽ các nguyên tắc hoạt động, họ đã gặt hái các tài sản kếch xù mà ai cũng ước ao.  Họ đã chính thức công nhận nền tảng của hệ thống kinh tế hiện đại chính là sự tin cậy lẫn nhau, kết quả của những hành vi đạo đức, phản ảnh nhân cách của các tác nhân.

Những người cứ bướng bỉnh tiếp tục phủ nhận và cưỡng lại quy luật xã hội trên đây, thì hậu quả gì xảy đến cho họ?

Trên trang sử ô nhục của giới kinh doanh Hoa Kỳ, chúng ta có thể nhìn thấy  hậu quả đau buồn, nhục nhã của những thương gia đại tài, nhưng lại phản bội lòng tín nhiệm của quần chúng.  Keneth Lay, Tổng Giám Đốc hãng năng lượng Enron, gian lận sổ sách, đứng tim bất đắc kỳ tử khi đối diện với viễn cảnh 50 năm tù.  Bernald Madoff, Giám Đốc một hãng đầu tư với tài sản 65 tỷ mỹ kim do sự lường gạt người đầu tư, đang ngồi tù mang bản án 150 năm.  Con trai ông vì quá xấu hổ đã treo cổ tự tử một cách thảm thương.  Ngoài ra, không ai trong chúng ta có thể quên được mới đây lòng tham và các hành vi liều lĩnh, vô trách nhiệm của ban giám đốc hãng đầu tư Lehman Brothers, đưa đến cuộc khánh tận lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, 600 tỷ mỹ kim, dẫn đầu cho cuộc khủng hoảng tài chánh thế giới năm 2008, với hậu quả ai trong chúng ta cũng đều gánh chịu.

Các nhân vật tên tuổi trên đã bị tiêu tan sự nghiệp, thậm chí đến thân bại danh liệt, và bị xã hội nguyền rủa, khinh khi, chỉ vì coi quá trọng tư lợi và tinh thần cạnh tranh, mà xem nhẹ đạo nghĩa con người.  Không những họ đã gây hậu họa cho chính mình, mà còn gây đại họa cho xã hội, nền kinh tế quốc gia, và bao nhiêu người vô tội khác.  Biết bao nạn nhân của họ phải lâm vào cảnh túng quẫn, bần hàn lúc tuổi già, bởi vì tiền của thắt lưng, buộc bụng, dành dụm suốt cả đời, nay không còn gì cả.  Ngoài ra, cái thiệt hại sâu xa và lâu dài mà họ gây nên là việc hủy hoại cái nền tảng “thiêng liêng” của hệ thống kinh tế tư bản, tức là lòng tin cậy.

Các gương xấu trên cho thấy, ngay cả trong xã hội tư bản, nơi đề cao lòng tham, tư lợi, và đòi hỏi tinh thần cạnh tranh quyết liệt, lòng tin cậy và nhân cách ngay thẳng vẫn là yếu tố định đoạt cho sự thành công tối hậu của một cá thể hay một tập thể.  Trong một cuộc đua xe, không ai muốn mình hay con cái mình, ngồi trong chiếc xe có máy rất mạnh và chạy rất nhanh, nhưng thắng thì hư và tay lái thì lệch lạc không điều khiển được, vì sẽ rất nguy hiểm cho bản thân và cho cả các xe khác.  Chính vì vậy mà một số phụ huynh, ngoài việc hướng dẫn con em trau dồi học vấn, cũng cố gắng tìm cách dìu dắt chúng đến những môi trường thuận lợi hơn cho sự phát triển đạo đức.  Các môi trường như vậy rất khan hiếm trong xã hội hiện đại, nơi vốn chỉ nhằm đào luyện tinh thần tranh đua vì tư lợi.

Trong năm mới, sống ở một xã hội quyết liệt cạnh tranh, một người không những cần phải làm mới vẽ đẹp vật chất bề ngoài, nhưng càng cần hơn nữa làm mới nét đẹp tinh thần bề trong, để tạo một đời sống tốt đẹp cho chính mình và cho xã hội.

Nguyễn Trung-Hậu