Niềm hi vọng cho Haiti
Cho đến hôm nay, tôi vẫn chưa thể ngưng suy tư về quốc gia Haiti. Nỗi kinh hoàng, rùng rợn của hàng ngàn xác người thối rữa, những nạn nhân bị chôn vùi, mắc kẹt trong đống gạch vụn đổ nát cả hơn tuần lễ, niềm đau đớn cực độ của những kẻ lang thang không biết số phận của những người thân yêu sống chết ra sao. Hình ảnh đau buồn của những cha mẹ ôm chặt xác con mình mà lòng đau quặn thắt. Cảnh đổ nát hoang tàn cùng nỗi đau đớn và sự sợ hãi của họ đã quá sức chịu đựng.
Tôi cảm thấy vô vọng vì không thể giúp gì hơn được. Bản thân tôi không quen ai ở Haiti cả. Tôi cũng không có tí kiến thức về y khoa để có thể tình nguyện sang giúp họ một bàn tay và tình trạng tài chánh của tôi thì cũng không mấy dư giả lắm. Trong những ngày đầu của thảm kịch, tôi đã gửi quà cứu trợ đến một hội từ thiện. Và tôi cũng đã đứng suốt một buổi tối trong nhà bếp để làm bánh ngọt cho một buổi gây quỹ, rồi một buổi tối khác thì tham dự đêm hòa nhạc cứu trợ được bảo trợ bởi trường học của mấy đứa con tôi.
Sau khi buổi hòa nhạc chấm dứt, cả gia đình trở về nhà, tôi nhìn cái tủ chứa đầy ắp thực phẩm dự trữ và những cái giường ngủ đầy đủ tiện nghi. Tôi đã không thể ngăn tâm hồn mình suy nghĩ miên man “Còn nhiều việc khác tôi có thể làm được nữa chăng?” Một người không thể chỉ đơn thuần làm ngơ trước những mất mát, đau khổ cùng cực của người khác như vậy. Nhất là khi người đó là một Cơ Đốc nhân biết rằng những tín hữu ở Haiti cũng là những anh chị em của mình trong một gia đình Chúa.
Sau khi tôi đọc Kinh Thánh hôm nay, tôi bỗng nhận ra có một cái gì đó ý nghĩa hơn mà mọi Cơ Đốc nhân đều có thể làm được, bất chấp tài khéo, kiến thức hay tình trạng tài chánh của người đó. Đó là khi chúng ta đã quyết tâm làm những việc thiện để cứu giúp tha nhân thì Chúa sẽ ban sức mạnh của Ngài trên chúng ta để chúng ta có thể hoàn thành sứ mạng thiêng liêng của mình.
Phải rõ ràng, cụ thể
Chúng ta phải cầu nguyện. Không chỉ đơn thuần là “Xin Ngài ban phước cho Haiti” nhưng nên rõ ràng, cụ thể, những lời cầu xin tha thiết cho những việc mà chúng ta biết là trong vòng ý muốn của Đức Chúa Trời. Dù bản thân chúng ta không biết gì về dân chúng ở đó, nhưng điều luôn luôn đúng là cầu xin Chúa hiểu thấu cho hoàn cảnh của họ và thương xót họ. Chúng ta có thể xin Ngài ban cho họ sự bình an trong tình yêu thương của Chúa. Chúng ta có thể xin Ngài ban cho họ đủ sức mạnh can trường và kiên nhẫn để vượt qua sự đau đớn mà họ đang gánh chịu. Kinh Thánh nói: “Cho nên, chúng tôi cũng vậy, từ ngày nhận được tin đó, cứ cầu nguyện cho anh em không thôi, và xin Đức Chúa Trời ban cho anh em được đầy dẫy sự hiểu biết về ý muốn của Ngài, với mọi thứ không ngoan và hiểu biết thiêng liêng nữa, hầu cho anh em ăn ở cách xứng đáng với Chúa đặng đẹp lòng Ngài mọi đường, nẩy ra đủ các việc lành, càng thêm lên trong sự hiểu biết Đức CHúa Trời, nhờ quyền phép vinh hiển Ngài, được có sức mạnh mọi bề, để nhịn nhục vui vẻ mà chịu mọi sự” (Cô lô se 1:9-11).
Chúng ta có thể cầu xin cho những tín hữu của Chúa hãy vững lòng tin trong cơn hoạn nạn mà đừng quay lưng lại với Ngài, nhưng sẽ được đem đến gần với Chúa hơn. Chúng ta có thể xin Chúa nhắc nhở họ rằng những căn nhà trên thiên đàng đang chờ đợi họ và niềm hân hoan được đoàn tụ vĩnh viễn với những người thân yêu. Và chúng ta có thể cầu xin rằng qua tấm thảm kịch này những kẻ ngoại đạo sẽ thức tỉnh và biết đến nhu cầu của họ là tìm đến Chúa và dẫn dắt họ đến việc chấp nhận món quà cứu rỗi.
Tôi không thể giúp tiền mãi mãi cũng như ủng hộ những công cuộc cứu trợ cho Haiti mỗi ngày. Nhưng tôi có thể cầu nguyện những thiên sứ quyền uy của Chúa sẽ ở giữa họ. Tôi có thể cầu xin niềm hi vọng sẽ nẩy nở vươn lên từ đống gạch đổ nát và thành quả cuối cùng của thảm họa này sẽ là đời sống vĩnh cửu cho nhiều người dân Haiti.
By Brenda Dickerson
Ngọc-Anh phỏng dịch