Sứ Đồ Giăng Với Phúc Âm Đời Đời


Sứ đồ Giăng, người là ai? Trong phạm vi bài viết, tác giả không có ý sơ lược bản thân của ông, mà chủ yếu là muốn giới thiệu với quí ông bà anh chị em một khuôn mặt nổi bật của thời Phúc âm đã được Chúa Giê-su kêu gọi và trở thành một trong 12 sứ đồ đầu tiên của Ngài.

Đáng chú ý là sách của Giăng viết chỉ gồm 5 cuốn, nhưng tác động của sách Giăng và Khải huyền đã trở thành dấu ấn quan trọng về quyền năng vô đối của Phúc âm đời đời.

Xuất thân từ một gia đình chài lưới, khi được Chúa gọi, hai anh em Giăng và Gia cơ từ biệt cha bỏ lưới bỏ thuyền đi theo Ngài chẳng cần đắn đo trễ nải. Nhờ được gần gũi với Chúa  luôn, lại được Chúa yêu có phần trổi hơn các bạn đồng công, Giăng được tích cực rèn luyện để trở thành chứng nhân của Chúa và là tác giả của một trong bốn sách Phúc âm. Nếu ba cuốn của Mác, Lu-ca và Ma-thi-ơ được đánh giá như những chuyện kể trung thực qua cách nhìn của chứng nhân về Chúa, thì sách của Giăng bày tỏ được cái Thần của Ngài và tỏ lộ được cái u ẩn, sâu kín trong trái tim của ‘Ngôi Lời đã trở nên xác thịt’.

Chỉ có Giăng mới được ơn Thần linh soi dẫn để giới thiệu Chúa Giê-su qua một phong cách độc đáo được thể hiện hùng hồn như một ‘Tuyên ngôn Phúc Âm’ trong 18 câu đầu của sách Giăng, “Ban đầu có  Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời” (Giăng 1:1). Ngôi Lời ở đây là chỉ Đức Chúa Giê-su, một Đấng mà “trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người.” (Giăng1:4). Cũng trong sách Giăng, ông đã dùng tới một trăm lần chữ ‘tin’ như để xác tín về sự hiện diện của con Đức Chúa Trời trên thế gian khi “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật” (Giăng 1:14).

Nhắc đến Giăng thì ai cũng hiểu ông là một trong ba sứ đồ gồm hai anh em ông cùng sứ đồ đầu đàn Phi-e-rơ, trước sau Chúa luôn cho họ cận kề, đặc biệt trong ba dịp khi chứng kiến phép lạ Chúa ban cho con gái của Giai-ru được sống lại, được dự phần tại  Núi hóa hình để tỏ lộ cho biết Đấng Christ là ai, và cùng chia xẻ nỗi buồn bực, sầu não của Chúa Giê-su tại vườn Ghét-xê-ma-nê trước khi Ngài bị đem đi nộp. Giăng cũng là môn đệ duy nhất chứng kiến cảnh người Thầy của mình hi sinh trên thập tự, và trước khi tắt hơi, Chúa đã gửi gấm người mẹ phần đời của mình cho người môn đồ được Chúa tin yêu.

Sau khi Chúa sống lại thì Giăng cũng được mục kích ít nhất ba lần Ngài hiện ra cùng với môn đồ tại ba nơi khác nhau. Đến khi Chúa về trời, Giăng cùng bạn đồng công Phi-e-rơ được Chúa chọn để thành một cặp đi rao giảng Tin lành và làm chứng về Chúa (như sách Công vụ đã ghi), cụ thể có lúc hai người đã được Chúa ban quyền phép đặng làm phép lạ đầu tiên chữa lành cho người què ở đền Cửa Đẹp (Công vụ 3:1-11). Cũng như các bạn đồng công, Giăng thường bị bỏ tù, bị ngược đãi trong các lần đi làm chứng đạo cho dân ngoại.

Vừa là nhà truyền giáo, rất uyên bác về kiến thức Cựu Ước, vừa là Mục sư trị sự, có lúc cả 25 năm tại hội thánh Ê-phê-sô, Giăng đã là chứng nhân không mệt mỏi cho Tin lành của Phúc âm, để rồi những ngày cuối đời bị chánh quyền La Mã ngược đãi đem đày ông ra đảo Bát-mô. Tại nơi đây, phước thay! chính ông là kẻ được chọn để nhận ơn từ Đức Thánh Linh ban cho qua các sự hiện thấy rồi viết ra được sách Khải huyền, cuốn sách cuối cùng như một dấu niêm phong cho toàn bộ Kinh Thánh. Nói đến sách Khải huyền mà lẽ sâu nhiệm tiềm ẩn trong nội dung của nó vẫn được coi là kho báu thuộc linh bày tỏ được vị trí của Ngôi Lời và sự vinh hiển của Đức Chúa Con trong hiện thân của Phúc âm đời đời là  Đấng Hiện Có, Đã Có, và Còn Đến (Khải huyền 1:8). Sứ điệp ba Thiên sứ rao truyền về sự phán xét của Đức Chúa Trời ghi trong Khải huyền đã trở thành sứ mạng truyền giảng Tin lành của Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm trong thời đại ngày nay.

Nhìn lại cuộc đời của Giăng, dù ông có những yếu đuối, khiếm khuyết, nhưng Chúa vẫn dùng ông. Ba lá thư ông viết trong I Giăng, II Giăng và III Giăng là bằng chứng nhờ ân điển của Chúa mà ông đã chuyển biến về cả hai mặt tâm tính lẫn tâm linh. Bằng công tác truyền giảng và mục vụ, ông đã đem cái tinh túy của Phúc âm thể hiện qua tình yêu thương và ân điển của Chúa mà chính ông là tấm gương đã nhận lãnh, được chuyển đổi, rồi đi chia xẻ cho tha nhân để làm chứng về Tin lành đời đời hầu cho mọi người tin nhận chính Đức Chúa Giê-su là Ngôi Lời, là con Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa của thế gian, nhờ đó mà “chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của con một đến từ nơi Cha” (Giăng 1:18).

Đỗ Xuân Thảo

tnhv (Theo TNHV Số 149 - Tháng 11 / 2008)