Cái nút màu đỏ

Ngày 1 tháng 9 năm 1983, một máy bay dân sự Nam Hàn bị trục trặc kỹ thuật đã bay lạc vào không phận liên bang Sô-Viết và đã bị những chiến đấu cơ của Nga bắn hạ. Toàn bộ hành khách và phi hành đoàn đều tử nạn. Tổng cộng là 269 người, một số là công dân Mỹ. Vào lúc xảy ra tai nạn, chính quyền Nga đã lầm tưởng đó là một máy bay do thám.

Hậu quả của thảm kịch này là sự căng thẳng ngoại giao giữa Nga-Mỹ tăng lên cao độ. Và chính quyền Nga lúc nào cũng cảnh giác việc Mỹ có thể trả đũa bằng một cuộc tấn công với vũ khí hạt nhân.

Ngày 25 tháng 9 tức ba tuần lễ sau, với thông tin người Mỹ sẽ trả đũa trong đầu, hôm đó Trung tá Stanislav Petrov đã phải làm việc liên tục hai ca thế cho một đồng nghiệp bị đau phải nghỉ việc. Ông đang giám sát khả năng những tên lửa của Mỹ có thể được phóng sang Liên Bang Sô-Viết từ trong căn hầm bí mật Serpukhov-15 nằm sâu dưới lòng đất.

Lúc vừa quá nửa đêm, một hồi chuông báo động the thé vang lên và trên màn hình của hệ thống kiểm soát rực sáng lên những tín hiệu tên lửa có mang đầu đạn hạt nhân. Theo sự tính toán của Petrov, thì ông chỉ có khoảng 15 phút để kích hoạt sự trả đũa trước khi những tên lửa của Mỹ rơi xuống trên đất Nga.

Chiến sự sắp xảy đến?

Petrov chỉ cần nhấn cái nút màu đỏ đang nhấp nháy trên bàn, nghĩa là ông xác nhận một cuộc tấn công đang tiến hành từ bên ngoài đến vị Chỉ Huy Trưởng phòng thủ tên lửa của Nga và nhà lãnh đạo cao cấp nhất Jurij Andropov. Tức thì một cuộc trả đũa bằng vũ khí nguyên tử sẽ chắc chắn xảy ra sau đó.

Nhưng Petrov đã lưỡng lự cân nhắc trước khi quyết định, khiến 120 kỹ sư và sĩ quan quân đội bị đặt trong trạng thái căng thẳng. Họ đã phải đợi chờ một cách khổ não trong một tình thế hỗn loạn.

 Petrov vẫn giữ được sự tỉnh táo và suy luận rằng: nếu nước Mỹ khởi xướng cuộc chiến nguyên tử thì họ phải phóng toàn bộ những tên lửa hạt nhân đang nằm trong một kho vũ khí ở đâu đó đến nước Nga chứ không thể chỉ là 1 hay 2 tên lửa như sự báo động mà thôi. Ông ta tiếp tục điều nghiên trên màn hình radar và nhận thức rõ là chẳng có tên lửa nào đang trên đường đến lãnh thổ Nga cả. Sau một hồi bình tĩnh trở lại, ông xác quyết đây chỉ là chuông báo động giả, một thiết bị nào đó bị trục trặc kỹ thuật. Và Petrov đã quyết định ngừng tay không nhấn cái nút màu đỏ định mệnh kia. 

Sự suy luận thông minh và sự tính toán chính xác của Petrov là đúng. Hệ thống vệ tinh phòng thủ của Nga bị trục trặc và đã gửi báo động sai về một cuộc tấn công. Nhưng nhờ vào lòng dũng cảm và sự tự chủ của một người đàn ông mà một cuộc chiến tranh hạt nhân đã được tránh khỏi trong đường tơ kẽ tóc và hàng triệu sinh mạng đã được thoát chết.

Trong cuộc sống, đôi lúc chúng ta cảm thấy bị áp lực công việc ở sở làm bởi những đồng nghiệp hoặc trong nhiều hoàn cảnh khiến chúng ta phải làm quyết định vội vàng, hấp tấp hơn là kiên nhẫn suy luận chín chắn. Kinh Thánh khuyên chúng ta trong Châm Ngôn 16:32 “Người chậm nóng giận thắng người dũng sĩ. Và ai cai trị lòng mình thắng hơn kẻ chiếm lấy thành”

.

By Kathy A. Lewis
Ngọc-Anh
phỏng dịch