Chôn Sống!
Những ngày cuối tuần vừa qua tôi ngồi nhà mầy mò trên mạng internet, tình cờ tôi đọc được vài chuyện ngắn rất hấp dẫn.
Khoảng cuối thế kỷ thứ 16 ở bên Anh quốc, có một nhân viên tang lễ trong lúc đang khiêng quan tài của ông Matthew Wall thì bị trợt chân té; sự việc này khiến những nhân viên hộ tang còn lại chao đảo làm rớt cái quan tài xuống đất; kết quả là ông Matthew Wall hồi tỉnh lại và ông sống thêm được vài năm nữa!
Đến thế kỷ thứ 17, một người đàn bà khác tên là Marjorie Elphistone ở Scottland, bà chết và đã được đem chôn cất tử tế. Khi màn đêm buông xuống, một tên trộm lẻn đào mồ bà lên để lục tìm nữ trang, bỗng dưng nó nghe tiếng bà rên rỉ và nó đã hoảng hốt bỏ chạy. Thế là bà Marjorie sống lại, đi bộ về nhà và sống với chồng thêm được 6 năm nữa!
Một sự việc tương tự đã xảy ra với bà Halcrow vào năm 1674. Sau khi chết, một nhân viên nghĩa trang đã cố tình hạ quan tài bà dưới một cái huyệt không sâu lắm vì anh ta sẽ trở lại sau đó để lấy trộm nữ trang đeo trên người bà. Trong lúc anh ta đang cố tháo cái nhẫn trên ngón tay bà, chợt bà Halcrow hồi tỉnh. Bà tiếp tục sống lại cuộc đời bình thường và hạ sinh thêm được 2 cậu con trai nữa. Sống lại từ cõi chết, cả ba nhân vật trên đều đã được đem đi chôn nhưng đều hồi sinh và sống trở lại!
Theo chiều hướng đó, Lễ Báp-têm của người Cơ Đốc là biểu tượng cho sự chết đi và được hồi sinh sống lại một đời sống mới.
Sách Rô-Ma chương 5 và 6 trong Kinh Thánh, sứ đồ Phao Lô có giải thích việc này như sau: Đức Chúa Trời đã chứng tỏ tình yêu thương vô bờ của Ngài dành cho chúng ta qua việc gửi Chúa Giê-Su chết thay cho chúng ta trên thập tự giá. Sự chết là hậu quả của tội lỗi (sự không vâng lời). Chúa Cứu Thế đã gánh chịu hậu quả của tội lỗi thay cho loài người. Chúa Giê-Su đã chết để cho chúng ta được sống!
Chính vì sự không vâng lời của Adam và Eva mà chúng ta thảy đều có tội. Nhưng vì Chúa đã chịu đóng đinh chết trên cây thập giá thay cho chúng ta, nên chúng ta thảy đều được tha tội. Khi ta chấp nhận việc Chúa đã chịu hình phạt chết thay cho ta, và khi ta mời Đấng Cứu Chuộc vào ngự trong lòng ta thì Ngài sẽ thay đổi ta. Chúa sẽ thay đổi chúng ta từ trong ra ngoài thành một con người mới tốt đẹp hơn.
Đời sống mới trong Chúa
Do đó Lễ Báp_têm biểu hiệu cho một sự kiện đã xảy ra từ ước muốn trong lòng Cơ Đốc nhân. Khi ta được nhúng toàn thân trong nước để gột rửa tội lỗi, ta muốn loan báo cho mọi người biết là đời sống cũ đầy tội lỗi của ta đã được chấm dứt. Khi ta bước ra khỏi mặt nước, ta đã được làm sạch và sống lại thành một con người hoàn toàn mới trong Chúa.
Theo Phao-Lô, với tiến trình nghi thức lễ báp-têm, khi một người được nhận chìm trong nước, tội lỗi của người đó đã được rửa sạch qua sự chết của Chúa. Khi ngoi ra khỏi mặt nước để khởi đầu một đời sống mới trong Chúa, nó cũng là một biểu tượng cho việc dù Chúa đã chết thay cho tội lỗi của loài người, nhưng mồ chôn thân xác Ngài cũng không giữ được Ngài trong đó. Ngài đã vươn lên sống lại từ sự chết vào ngày Chúa Nhật Phục Sinh để tiến đến một đời sống vĩnh cửu.
Vì vậy, chúng ta cũng có thể có đời sống vĩnh cửu bằng cách mời Chúa như là Chúa Cứu Thế của ta, xin Ngài tha thứ tội lỗi ta và bằng lòng để Chúa hướng dẫn đời mình. Lễ Báp-têm nói cho thế gian biết: “Tôi đã từ bỏ đời sống cũ; Chúa đã làm sạch tội lỗi tôi và tạo tôi thành một con người mới!”
By Kathy A Lewis
Ngọc-Anh phỏng dịch