Đau Khổ Hay Biết Ơn?
Những hình ảnh tàn phá của trận động đất xảy ra ở Haiti đã nghiến nát tâm hồn tôi. Tôi cảm thấy hoàn toàn bất lực để có thể làm lắng dịu sự xúc động cùng những đớn đau thể xác mà hàng trăm ngàn người dân Haiti phải hứng chịu.
Cơn địa chấn mãnh liệt đã làm hơn 300,000 người trở nên kẻ không nhà. Họ đã cố gắng cắn răng chịu đựng để có thể sống còn trên hè phố, với những cái bao tử trống rỗng lang thang mong chờ thực phẩm cứu trợ. Họ đứng thành những hàng dài bên ngoài khuôn viên những bệnh viện không còn đủ nhân viên y tế, những vết thương của họ đang nhiễm độc và cần được chăm sóc. Tử thần rình rập quanh họ. Họ không thể thoát ra khỏi khu vực nặng mùi hôi thối của hàng đống xác người được moi ra từ những đống gạch vụn mỗi ngày, chờ để được di chuyển đến những mồ chôn tập thể.
Tôi để ý trong vài bản tin gần đây có đăng một số câu chuyện hỗn tạp đến từ Haiti. Một số người đã đau khổ tột cùng trong lúc lại có một số người khác lại cảm thấy biết ơn về thảm kịch động đất đã xảy ra.
Chẳng hạn như câu chuyện của linh mục Eric Toussaint. Ngôi nhà thờ của ông, trước đây là một giáo đường lộng lẫy, giờ chỉ còn là một cái khung sườn đứng chơ vơ giữa đống gạch đổ nát. Thế mà, ông vẫn tiếp tục cử hành thánh lễ ở đó ngay sau cơn động đất, trước một số nhỏ tín đồ may mắn còn sống sót. Ông đã hỏi họ: “Tại sao chúng ta vẫn phải cám ơn Chúa?” - “Bởi vì chúng ta vẫn còn được đứng bên nhau nơi đây”.
Và đối với bà Florence Louis. Bà có hai đứa con nhỏ và đang mang bầu bé thứ ba được 7 tháng. Cùng với hàng ngàn người Haiti khác, bà tụ tập nơi những nhân viên cứu trợ của Liên Hiệp Quốc đang phân phát bánh qui. Bà Louis chộp được phần chia cho gia đình 4 người của bà – 4 gói bánh qui – bà nói “Như vầy là quá đủ cho tôi rồi vì tôi chẳng còn gì cả”.
Không có Chúa
Nhưng cũng có những câu chuyện hoàn toàn trái ngược. Chẳng hạn như của bà Remi Polevard, mẹ của 5 người con đều bị đè chết dưới đống gạch của ngôi nhà bị sập. Khi nói đến Chúa, bà Remi đã gào lên: “Tại sao Ngài lại đổ tai ương này trên chúng tôi? Đúng là không có Chúa”.
Và có một người đàn bà mặc bộ váy màu vàng da cam không nói tên. Người ta nhìn thấy bà đi bộ dọc theo những con đường ra dắt ra phố, nơi một số thi thể đã được hỏa thiêu 5 ngày sau cơn động đất. Bà ta lôi cuốn Kinh Thánh từ túi áo ra và quăng nó vào đống lửa đang ngùn ngụt cháy ….
Khi tôi đọc những câu chuyện trên tôi thầm nghĩ: “Người dân Taihi cũng giống như chúng ta mà thôi. Cả hai đều có những lựa chọn cơ bản khi một cơn thảm họa xảy đến. “Chúng ta có thể đổ thừa cho Chúa hoặc là chúng ta vẫn giữ niềm tin nơi Ngài. Chúng ta có thể chạy khỏi vòng tay Ngài hoặc chúng ta sẽ tìm đến Ngài. Chúng ta có thể ghét Chúa hoặc chúng ta vẫn yêu kính Ngài”.
Nói là không có Chúa cũng giống như là nói không có một kế hoạch hay mục đích gì trong cuộc đời. Việc ném sách Kinh Thánh vào lửa đỏ là ném đi mọi lời đã từng đem sự an bình và hi vọng cho chúng ta. Giữ vững niềm tin nơi Chúa và sự hứa hẹn nước Thiên Đàng sẽ không chỉ giúp cho chúng ta đi nốt con đường này, nhưng sẽ dẫn dắt chúng ta tới một cuộc sống vĩnh cửu. Là một nơi mà Chúa đã hứa trong Kinh Thánh, sách Ê-Sai: “Ta, Đức Chúa Trời ngươi, là sự sáng đời đời của ngươi, rồi những ngày khổ đau, buồn phiền sẽ chấm dứt”.
Chúng ta không thể có sự chọn lựa những thử thách sắp đến. Nhưng chúng ta có thể chọn lựa được hậu quả của nó. Chúng ta có thể chọn thái độ của mình, nên đổ thừa cho ai, học được kinh nghiệm gì, và chúng ta sẽ xử sự ra sao trước Thượng Đế. Sự lựa chọn tuyệt vời nhất là hãy giữ vững niềm tin nơi Người mà một ngày nào đó sẽ đến cứu rỗi và chấm dứt những ngày buồn đau của chúng ta.
By Nancy Canwell
Ngọc-Anh phỏng dịch