Gia Tài Của Mẹ

Khi nói đến gia tài hay sản nghiệp để lại cho con cái mình, người ta dễ nghĩ đến tiền tài hay đất đai điền sản. Nhưng Kinh Thánh nói hết thảy những thứ ấy cũng có thể bị mất cách dễ dàng, “Các ngươi đừng tích trữ của cải dưới đất, nơi có mối mọt và ten rét làm hư, và kẻ trộm lẻn vào ăn cắp; nhưng hãy tích trữ của cải cho mình trên trời, nơi chẳng có mối mọt và ten rét làm hư, và cũng chẳng có kẻ trộm lẻn vào ăn cắp.” Vậy thì, là cha mẹ, chúng ta phải để lại cho con cái mình một sản nghiệp như thế nào mà giá trị nó sẽ trường tồn, lâu dài và không mang thiệt thòi cho kẻ kế nghiệp mình?

Kinh Thánh, trong sách Luca 2: 52 có viết: “ Đức Chúa Jêsus khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta.” Đây là tóm tắt tuổi ấu thơ và thời thanh niên của Đức Chúa Jesus. Câu Kinh Thành tuy rất ngắn, rất dễ thuộc lòng, nhưng hàm chứa cả một chương trình nuôi dạy con mình của ba Ma-ri. Đây cũng là kết quả của sự trưởng dưỡng nào mà chúng ta cũng muốn có cho con cái mình.

Câu Kinh Thánh trên nói lên 4 phương diện mà Đức Chúa Jesus đã được mẹ giúp phát triển:

Đức Chúa Jêsus khôn ngoan càng thêm. Đây là về phần TRÍ. Mẹ của Ngài đã cho Ngài được học hỏi, bà cho con mình sự giáo dục và học vấn để con mình có được sự trí thức và khôn sáng. Người mẹ phải thúc đẩy và hướng dẫn cho cho đứa con phát triển phần trí của chúng. Người mẹ sẽ không ở cùng con mình hoài, nên một nền giáo dục đặng con cái chúng ta biết cách mưu sinh thì nó sẽ không bao giờ phải nghèo đói. Phát triển kiến thức, sự học vấn, không chỉ giúp cho con mình có được nghề nghiệp đặng nuôi thân mà thôi, nhưng còn cho nó có khả năng suy luận và có những quyết định khôn ngoan trong đời.

Đức Chúa Jêsus khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn. Đây là phần THỂ. Mẹ của Ngài đã chăm sóc cho con mình được khỏe mạnh và tráng kiện. Người mẹ không chỉ nuôi con mà thôi. Nhưng phải dạy con, từ khi còn ấu thơ, các thói quen tốt cho sức khỏe của nó. Chúng ta cũng đã thấy bao nhiêu bậc cha mẹ sống đến 90, hay 100 tuổi, nhưng con cái họ, vì không nhận được sự huấn luyện từ tuổi ấu thơ, thiếu thói quen sống khỏe, hoặc bị ảnh hưởng môi trường, vì thói quen mới, đã không có được sức khỏe như cha mẹ mình. Cha mẹ có thể để lại phần sản nghiệp này cho con mình bằng cách giữ gìn sức khỏe của chính mình và bằng cách dạy dỗ chúng biết ăn uống thức ăn bổ dưỡng, trong lành, và biết vận động; để các điều ấy trở thành thói quen trong cuộc đời của chúng nó thì chúng nó sẽ được sức khỏe dài lâu.

Đức Chúa Jêsus khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta. Ở đây ta thấy Mẹ Đức Chúa Jêsus đã dạy dỗ con mình về phần đời sống thuộc LINH. Bà dạy cho con mình từ tuổi ấu thơ đã sống một đời sống nguyện cầu. Đức Chúa Jêsus cầu nguyện với Đức Chúa Trời, biết lắng nghe lời Kinh Thánh là lời Đức Chúa Trời truyền dạy cho Ngài. Đời sống thuộc linh của con cái từ lúc còn thơ ấu đã là rất là quan trọng. Vì cho dầu nó có sự khôn ngoan, sức khỏe, những điều ấy cũng có thể bị hao mòn và mất mát. Nhưng niềm tin vào Đức Chúa Trời sẽ còn hoài với nó. Châm Ngôn 22:6 nói, "Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo hầu khi trở về già cũng không hề lìa khỏi nó.”

Khi đứa con đã có một lòng yêu mến Chúa thì rất dễ dàng cho người mẹ ghi tạc vào lòng con mình giá trị, luân lý, mục tiêu, bổn phận, và sự hiểu biết phân biệt điều gì là ưu tiên của cuộc sống.  Giá trị và ưu tiên cao nhất của cuộc sống theo Kinh Thánh ấy là, “Chúng ta hãy nghe lời kết của lý thuyết nầy: Khá kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn Ngài; ấy là trọn phận sự của ngươi.” (Truyền Đạo 12:13)

Và cuối cùng, Đức Chúa Jêsus sống đẹp lòng Đức Chúa Trời và Người ta. Mẹ Ngài đã dạy dỗ Ngài đủ mọi mặt, TRÍ, THỂ, LINH, và cả ĐỨC nữa. Đức Chúa Jêsus đã được nuôi dạy để từ cách ăn nết ở của Ngài đều thể hiện tình tính và cung cách nhu mì, thương yêu hòa thuận với người quanh mình.  Mẹ cũng phải dạy cho con đời sống luân lý. Người mẹ phải dạy dỗ, ghi khắc vào đầu, vào tâm con cái mình tình yêu mến Chúa và tâm tính đạo đức. Chúng ta cố gắng giáo dục con cái mình biết kính Chúa và yêu người; dạy cho chúng biết tôn trọng người khác, dạy cho chúng biết trí, nghĩa, lễ là gì, để trong cách ăn cách sống của chúng làm sáng danh Đức Chúa Trời và đuoc sự kính trọng và lòng thương yêu của người chung quanh.

Điều sau cùng trong chương trình mẹ nuôi dạy con, đặng truyền lưu một sản nghiệp vững bền cho con cái mình, Ấy là bà mẹ hãy là một gương tốt. Trẻ con từ lúc còn sơ sinh đã bắt chước theo mẹ, và sự bắt chước này xảy ra suốt thời ấu thơ niên thiếu của đứa con. Trẻ con bắt chước. Vì lẽ đó sự dạy dỗ không chỉ bằng lời nói mà thôi, mà phải bằng cách hành động cư xử mỗi ngày của người mẹ.

Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta cơ hội làm mẹ, và đã được ơn nuôi dạy và dưỡng dục các con cái của mình. Quí bà là những người may mắn, đã bao nhiêu năm qua hay còn nhiều năm nữa được nuôi dạy, đùm bọc, che chở, chăm sóc cho các con  mình. Nhưng sẽ có một ngày, chúng ta không còn ở với chúng nữa. Con cái chúng ta sẽ bước vào đời, chúng nó sẽ đối đầu với cuộc sống một mình chúng. Hành trang nào chúng ta đã sắm sửa và chuẩn bị cho con cái mình, và sản nghiệp nào chúng ta đã để lại cho chúng nó hãy là những gì không hao mòn, không khánh tận, mà còn hoài, để giúp chúng nó chống chọi và vượt qua được những khó khăn và thách thức của cuộc đời. Tuổi trẻ sẽ rồi cũng phai tàn, việc làm, sự nghiệp cũng có thể qua đi; sức khỏe cũng có thể bị hao mòn; nhưng đức tin và niềm trông cậy nơi Đức Chúa Trời sẽ còn mãi mãi.

Gia tài của mẹ mà con cái chúng ta thừa hưởng, hãy là, sức khỏe, một nền học vấn, một đức tin nơi Chúa, tình thương đối với người đồng loại, và hơn hết, chúng nó đã chứng kiến mẹ chúng cũng đã xem trọng và thực hành tất cả các điều ấy.

 

Ngọc Liên Mother’s Day 2013