Lãng Quên
Ba tôi đang hấp hối trên giường bệnh. Ông bị viêm gan C đã nhiều năm rồi và chúng tôi đều biết rằng ông sẽ chẳng qua khỏi. Ông đã phải nhập viện suốt hơn tuần lễ qua. Chúng tôi luôn thay phiên nhau ở bên ông và có lẽ đây là lần đầu tiên Ba tôi đã tâm sự cùng tôi, nên tôi đã ngồi im để lắng nghe ông nói.
Có lúc những giọt lệ đã lăn dài trên má ông. Tôi hiểu ngay là ông sắp trăn trối những điều mà ông muốn nói.
“Ba ơi! Sao vậy?”
“Con có biết lý do tại sao họ lại không muốn Ba tiếp tục chơi đàn vĩ cầm trong nhà thờ? Có phải vì họ nghĩ là Ba không còn chơi hay như xưa nữa phải không?”
Câu hỏi của ông khiến tôi ngỡ ngàng. Có thật đây là điều mà một ông lão 81 tuổi đang suy tư trong giờ lâm tử? Nếu quả thực như vậy thì bản tính của Ba và của tôi giống nhau như đúc; căn bệnh ưu sầu là một đặc điểm rất khó che dấu. Ngày xưa, khi tôi làm chủ bút của một tờ tạp chí, tôi thường nói với những nhân viên cấp dưới của mình lâu lâu hãy nhắc nhở cho tôi biết rằng không phải mọi việc trong tòa báo đều là dành cho riêng tôi. Giờ nghe Ba tôi hỏi, nó nhắc nhớ tôi về những ngày xưa, tôi cũng đã từng mang nặng trong lòng cái xu hướng như thế.
Tôi gắng sức giải thích cho Ba hiểu rằng ngọn đuốc đã được chuyển sang tay những tín hữu trẻ khác trong hội thánh. Việc này chẳng dính dáng gì đến năng lực của Ba cả. Đã đến lúc phải nhường cơ hội cho lớp người trẻ để họ có dịp trau dồi tinh thần trách nhiệm và khả năng lãnh đạo. Chúng ta cần phải bước ra vì đã làm xong vai trò của mình rồi.
Có lẽ phiên của tôi sắp chấm dứt
Nay tôi nhớ lại chuyện xưa vì hiện tôi là một tín hữu mới của hội thánh, và tôi cũng là người cao tuổi nhất trong ca đoàn. Mỗi tuần người ta chọn ra vài người đứng ở hàng đầu với mi-crô trên tay để dẫn dắt nhóm hợp ca. Tôi ao ước được chọn lựa để mọi người biết đến năng khiếu của tôi, xem giọng ca của tôi khỏe ra sao vì tôi đã từng là một giọng ca vàng trong suốt thời gian dài trước đây, nhưng chờ đợi mãi mà chưa bao giờ tôi được hỏi cả. Năm nay tôi vừa tròn 60 tuổi, có lẽ cơ hội ca hát của tôi không còn nữa. Hiện tôi đang làm cố vấn trong việc viết lách và kịch nghệ cho các em thiếu nhi. Hẳn nhiên là tôi cũng không thể tiến thân hơn trong cương vị này.
Khi Môi-Se bước xuống và nhường ngôi cho Giô-Suê, không biết ông có cảm nhận như vậy không? “Giô-Suê, con trai của Nun, được đầy rẫy thần khôn ngoan, vì Môi-Se đã đặt tay mình trên người; dân Y-Sơ-Ra Ên bèn vâng lời người và làm theo điều Đức Giê-Hô-Va đã phán dặn Môi-Se” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 34:9). Môi-Se luôn luôn được coi như là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất. Ông ta là một vị chỉ huy tài giỏi đầy uy quyền. Tôi nghĩ Môi-Se đã rất buồn khi ông nhường ngôi lại, nhưng có lẽ ông rất gần với Chúa nên ông hiểu được là đã đến lúc phải bước xuống.
Biết được thời điểm cần phải nhường cho thế hệ mới đòi hỏi sự bén nhạy của chúng ta – dù rằng ta là người ra đi hay là kẻ sắp nhận lấy ngọn đuốc. Tôi đã học được những khái niệm quan trọng này: được phục vụ dưới bất cứ hình thức nào trong ban chấp sự của hội thánh là một năng khiếu. Chúng ta đóng vai trò hướng dẫn cho những tín hữu mới và để ý chăm sóc cho lớp người trẻ vừa lên thay thế cho những tín hữu lão thành. Chúng ta trong ban quản trị hội thánh cần làm cho hội thánh ngày thêm phát triển lớn mạnh, chứ không phải làm cho lụn bại. Tất cả chúng ta, ai cũng đều có những năng khiếu đặc biệt riêng.
“Hỡi anh em, nên nói thế nào? Khi anh em nhóm lại với nhau, trong anh em ai có bài ca, hoặc bài giảng dạy, hoặc lời tỏ sự kín nhiệm, hoặc nói tiếng lạ, hoặc giải tiếng lạ chăng? Hãy làm hết thảy cho được gây dựng.” (1 Cô-Rinh-Tô 14:26)
By Dee Litten Reed
Ngọc-Anh phỏng dịch