Lời Chúa Hiệp Chúng Ta Lại Trong Sự Thờ Phượng

Trong gia đình Cơ Đốc Phục Lâm, gồm 11 triệu người ở khắp địa cầu, chúng ta thờ phượng Chúa với nhiều ngôn ngữ và văn hóa khác nhau. Điều quan trọng hơn số người thờ phượng chính là lẽ thật, là Đức Chúa Giê-su.

Dưới danh hiệu Đức Chúa Giê-su, không còn phân biệt đông, tây, nam, bắc. Vì cớ Ngài, kẻ giàu, người nghèo cùng thờ phượng bên nhau. Vì cớ Ngài, dân sự nhiều bộ lạc khác nhau có thể đứng cạnh nhau đồng tôn vinh và nguyện cầu. Vì cớ Ngài, già, trẻ cùng đứng bên nhau ngợi khen Đức Chúa Trời. Vì cớ Ngài, những người đang thù hận muốn tha thứ và chia xẻ trong nghi lễ Tiệc Thánh. Và những người chịu đau khổ vì bất công xảy ra nhiều thế kỷ có thể đưa thêm má bên kia, bởi vì Đức Chúa Giê-su ở trong lòng họ. Đó là một phép lạ!

Lời Chúa, hay Kinh Thánh, nói cho chúng ta biết về Đức Chúa Giê-su, Ngôi Lời của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh dẫn đưa chúng ta đến chân thập tự. Kinh Thánh chỉ cho chúng ta Con Đức Chúa Trời, Đấng hy sinh mạng sống Ngài vì chúng ta. Đấng ban cho chúng ta có đời sống vĩnh cửu. Đứng dưới chân thập tự chúng ta nhìn ra tội lỗi của mình. Nơi đó chúng ta hiệp một và lớn tiếng rằng, “Chiên Con đã chịu giết” (Khải huyền 5:12).

Đúng vậy, lời Chúa đã đưa chúng ta đến chân thập tự để nhìn thấy Cứu Chúa. Nơi đó chúng ta hiệp một để thờ phượng Ngài. Nhưng nếu chúng ta chia rẽ thì không phải là một sự thờ phượng chân thật.

Có phải vì quốc gia, chủng tộc mà bạn không xiết chặt tay nhau chăng? Có phải bạn cảm thấy xa cách đối với cá nhân hoặc gia đình chăng? Bạn còn giận hờn đối với vợ hay chồng, cha mẹ hoặc con cái chăng? Bạn có thể nhận lãnh sự tha thứ từ Đức Chúa Giê-su mà không tha thứ cho người khác ngay cả người thân yêu của mình không? Bạn có thể ngợi khen Đức Chúa Trời, Đấng ban ơn phước cho bạn tràn đầy mà không chia xớt cho láng giềng không?

Bạn có thấy ý nghĩa Đức Chúa Giê-su trên thập tự in sâu vào lòng chúng ta, phép lạ về sự tha thứ đã ngự trị. Khi nhớ đến sự tha thứ của Đức Chúa Giê-su, hãy tha thứ cho những kẻ làm hại chúng ta. Kế đó lời cầu nguyện của chúng ta mới thật sự được dâng lên. Rồi chúng ta sẽ cùng nhau cúi đầu trước thập tự, nhìn thẳng vào Chúa, và cầu nguyện. . . hiệp một.

Thờ phượng là gì? Thờ phượng không phải tham dự phiên lễ bái để cho vui, ngay cả bạn ca hát, đọc Kinh Thánh và cầu nguyện, ngay cả bạn giữ đúng ngày nghỉ. Có thể bạn tham dự nghi lễ nhưng không thờ phượng Chúa mặc dầu có mặt ở đó. Hãy đọc Ê-sai 6:1-8, tiên tri Ê-sai có kinh nghiệm bày tỏ cho chúng ta về lễ bái. Những điều này cho biết tại sao chúng ta phải hiệp một dưới chân thập tự.

Theo sự bày tỏ của tiên tri Ê-sai, sự thờ phượng là có một kinh nghiệm với Đức Chúa Trời. Đó là một sự kiện có thật. Nhóm họp với Đức Chúa Trời, Đấng Sáng Tạo toàn thể vũ trụ, Cứu Chúa của nhân loại, tạo cho chúng ta một cảm giác kính sợ trước sự uy nghi và quyền phép của Ngài.    Câu trả lời của Ê-sai cũng sẽ giống như câu trả lời trong lòng chúng ta. Ê-sai kêu lên rằng, “Khốn nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ dáy, ở giữa một dân có môi dơ dáy, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đức Giê-hô-va vạn quân” (câu 5). Sau khi Ê-sai xưng tội, thiên sứ cam kết sự tha thứ cho ông, “tay cầm than lửa đỏ mà đã dùng kiềm gắp nơi bàn thờ, để trên miệng ta mà nói rằng: Nầy, cái nầy đã chạm đến môi ngươi; lỗi ngươi được bỏ rồi, tội ngươi được tha rồi” (câu 6, 7). Lập tức những kẻ thờ phượng nghe tiếng Chúa phán, “Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta?” (câu 8). Bất cứ ai đã biết Đức Chúa Trời, xưng tội cùng Ngài và được tha thứ, trong lòng họ cũng muốn nói lên như Ê-sai, “Có tôi đây, xin hãy sai tôi” (câu 8).

Giáo hữu Cơ Đốc Phục Lâm hiệp một trong sự thờ phượng. . . không vì giáo lý, không vì luật lệ hội thánh đã bầu, không vì đó là điều tốt để làm. Chúng ta hiệp một trong sự thờ phượng vì cớ Đức Chúa Giê-su, Đấng đã và đang làm những gì cho chúng ta.

Khi Ê-sai ý thức được sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, ông nghe được tiếng của các thiên sứ hô lên, “Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va vạn quân! Khắp đất đầy dẫy sự vinh hiển Ngài!” (câu 3). Không có chỗ nào dành cho sự thờ phượng kiêu ngạo cá nhân, không có vinh hiển nào dành cho sự hoàn tất thuộc về con người. Trước sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, chỉ có chỗ cho sự khiêm tốn. Chúng ta quì gối trước mặt Ngài cùng với anh chị em chúng ta để ngợi khen danh thánh của Ngài. Mọi sự đều tập trung vào Ngài. Từ khắp các nơi hàng trăm thứ tiếng đều đồng thanh, “Tôn vinh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh; đã có, hiện có và còn đến đời đời. A-men.”

Mọi mắt hướng lên thiên cung. Mọi tư tưởng dâng lên cho Đức Chúa Trời. Trong khi chúng ta đang nghĩ về Ngài—sự uy nghi, quyền phép của Ngài, sự hy sinh cao cả—không còn chỗ dành chosự suy nghĩ về những điều khác. Thật dễ hiểu khi Phao-lô bày tỏ, “Trong những kẻ có tội đó ta là đầu” (I Ti-mô-thê 1:15). Chúng ta ai cũng cảm thấy như vậy khi chúng ta so sánh với Chúa và sự trọn vẹn của Ngài.

Đôi khi tôi nhìn những tín hữu khác và thắc mắc về tâm linh của họ, đặc điểm về âm nhạc, về quá trình, về quốc tịch, về dòng dõi; đôi khi tôi muốn họ hỗ trợ hội thánh tốt hơn. Đôi khi tôi cảm thấy mục sư không giảng hay như ý tôi muốn. Nhưng không điều gì chiếm lấy tâm trí tôi khi tôi hiện diện với Đức Chúa Giê-su và nói rằng,“Cảm tạ Ngài đã ban sự sống Ngài cho con.” Vào lúc đó tôi chỉ còn thấy những người tiên phong đứng dưới chân thập tự.

Chúng tôi cùng nhau rời khỏi hội thánh. Khi bước ra ngoài, lòng chúng tôi rộn lên lời ca, “Đấng Cứu Chuộc ơi! Con muốn rao báo lên điều đó, bởi huyết báu của Chiên Con.” Chúng ta không nói quá đáng vì Đức Chúa Giê-su đã làm điều đó cho chúng ta. Chúng ta hiệp một trong hạnh phúc về những điều Ngài đã làm. Chúng ta nghe tiếng Chúa kêu gọi, “Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta?” Chúng ta không thể chối từ. Chúng ta nắm ngay lấy cơ hội. Sau hết Đức Chúa Giê-su đã làm mọi điều cho chúng ta, kể cả sự sống của Ngài. Chúng ta phải nói cho mọi người biết về tin lành. Hội thánh CĐPL hiệp một trong mục tiêu để làm chứng cho thế gian biết về Cứu Chúa đầy sự yêu thương, tha thứ và sẽ trở lại mau chóng. Chúng ta phải nói cho hàng xóm biết; phải nói cho mọi người trong xứ, những người nói cùng một ngôn ngữ, kế đến mọi người trên thế giới. Đó là một phần của sự thờ phượng. Chúng ta hiệp một để đem sứ điệp về Đức Chúa Giê-su đến cho mọi người. Đó là lý do tại sao chúng ta hiệp một để hỗ trợ cho các truyền đạo đi vào những nơi khó khăn. Đó là lý do chúng ta hiệp một để phát triển hội thánh khắp nơi trên địa cầu.

Sự vui mừng nào sẽ lớn hơn khi việc làm đã xong và chúng ta đồng đi với những người được cứu của mọi thời đại qua những cửa long lanh như châu ngọc. Chúng ta dự phần với thiên sứ, các trưởng lão và các anh em trong một điệp khúc, “Chiên Con đã chịu giết đáng được quyền phép, giàu có, khôn ngoan, năng lực, tôn quí, vinh hiển và ngợi khen! . . . Chúc cho Đấng ngồi trên ngôi cùng Chiên Con được ngợi khen, tôn quí, vinh hiển và quyền phép cho đến đời đời!” (Khải huyền 5:12, 13).

 

Don Schneider (Hội trưởng Tổng Hội Bắc Mỹ)
Trần Minh Loan chuyển ngữ

tnhv (Theo TNHV Số 148 - Tháng 10 / 2008)