Màu Thời Gian

Tôi rất thích thơ từ thời trung học. Mỗi khi đọc một bài thơ đắc ý trong sách báo, tôi thường chép vào một tập riêng để dành xem. Tuy nhiên, bài thơ sau đây không phải tôi chép trong sách báo, mà trong một tuyển tập tình ca do Nhạc sĩ Nguyễn Tất Vịnh phổ nhạc:

    Thời gian là chuỗi ngày đeo cổ.
    Có hạt trắng ngần hạt tuổi thơ.
    Những hạt muộn  phiền xâu tiếp đó.
    Hạt vào cát bụi hạt thành tro.
    Thời gian là vết mờ trên mắt.
    Là những tia nhìn qua kính sâu.
    Là nửa tuổi đời ôi chợt mất.
    Mãi còn lạc lõng nửa đời sau.
    Thời gian là nếp nhăn trên má.
    Lấy phấn tô hoài giấu được đâu.
    Mấy lớp son hồng ai mới xóa.
    Soi gương rồi khóc tưởng chiêm bao!
    Thời gian là tóc, hai màu tóc.
    Nửa thấy lòng mình như trẻ con.
    Nửa đã mệt nhoài trong gió lốc.
    Rồi đem ngắm nghía thuở vàng son...
    (Định nghĩa thời gian—Thơ Thảo Chi)

Dĩ nhiên, định nghĩa của thời gian trong bài thơ trên là theo cảm nghĩ của tác giả. Dù sao, qua những cụm từ  “vết mờ trên mắt,” “nếp nhăn trên má,” “hai màu tóc,” chúng ta thấy rõ dấu vết của thời gian. Không những màu thời gian chỉ hằn trên mắt, trên má, trên tóc... của con người, mà còn để lại trên da rắn lột, lá vàng rơi, nước chảy đá mòn, trên tất cả vạn vật. “Mọi sự đều xảy ra theo thời điểm, mọi việc trên đời đều có định kỳ: có kỳ sinh, có kỳ tử” (Truyền đạo 3:1, 2, BDM).

Sinh, lão, bệnh, tử là định luật khắt khe trên thế gian không ai tránh khỏi. Đời sống con người có giới hạn. “Xin hãy nhớ đời sống tôi ngắn ngủi là bao!” (Thi thiên 89:47, BDM). Chúng ta đừng để thời gian trôi qua uổng phí. “Hãy tận dụng thì giờ, vì thời buổi hiện tại là thời xấu xa. Vậy, đừng trở nên ngu dại, nhưng phải hiểu biết ý muốn của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 5:16, 17, BDM). Ngài “không muốn cho một ai hư mất, nhưng muốn mỗi người đều ăn năn”(II Phi-e-rơ 2:9, BDM).

Trên đây là ý muốn thiên thượng, còn mục đích của loài người thì sao? Chúng ta cũng nên hy vọng như vậy, “mong ước một quê hương tốt hơn, là quê hương ở trên trời, nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn khi được gọi là Đức Chúa Trời của họ vì Ngài đã chuẩn bị cho họ một thành phố” (Hê-bê-rơ 11:16, BDM). Chúng ta hãy “lìa bỏ những việc hư không [trên thế gian] này mà quay về với Đức Chúa Trời hằng sống, là Đấng đã dựng nên trời, đất, biển và vạn vật trong đó” (Công vụ 14:15, BDM).

Định nghĩa của thời gian theo Kinh Thánh là giai đoạn giữa vô thủy và vô chung. Màu thời gian chỉ xảy ra trong kiếp người tội lỗi mà thôi. Trên nước Thiên đàng, chúng ta không còn bị ràng buộc vì thời gian nữa. Con người sẽ có đời sống vĩnh cửu.

Đào Thanh Khiết

tnhv (Theo TNHV số 111 - Tháng 9 / 2005)