Mối tương quan
Nhìn ra ngoài khung cửa, tôi có thể thấy những dấu hiệu của màu sắc và dáng dấp đang được hình thành trên các bụi cây. Những màu sắc xám xịt của mùa đông lại một lần nữa sắp sửa được thay thế bởi những hình bóng rực rỡ của mùa xuân. Thảm cỏ xanh đang dần dần trải ra để chào đón những bông hoa muôn màu lất phất bên bìa rừng. Đang im lìm, thế mà chỉ qua một đêm, những đám cỏ úa vàng bắt đầu trổi dậy một cách mãnh liệt báo hiệu mùa xuân sắp đến. Tôi biết chẳng mấy chốc những bụi cây kia sẽ từ từ biến thành một bức màn xanh tươi, làm nơi che chở cho đám côn trùng ẩn náu đang sửa soạn cho mùa sinh nở vào mùa xuân. Những cây cổ thụ cao chót vót đứng trang nghiêm trong mùa hè và tuyệt vời vào mùa thu, bây giờ dường như không còn hợp thời nữa. Chúng trông giống như những tên lính mặc toàn một màu xám nâu đứng canh gác cho cái kho tàng của mùa xuân.
Trong lúc nhìn chằm chằm lên những ngọn cây trơ trọi, tôi chợt nảy ra một ý tưởng trong đầu. Tại sao những thảm cỏ thì luôn luôn là cái đầu tiên đổi màu xanh trở lại trước? Kế đến là lá của những bụi cây bắt đầu bung ra báo hiệu cho cây cối đã đến lúc đâm chồi, nẩy lộc. Mùa xuân nào cũng giống vậy, và cái quá trình xảy ra lại đảo ngược trong mùa thu. Cây cối sau màn phô trương rực rỡ ngắn ngủi vào đầu thu, thì lá vàng từ từ rơi rụng, những bụi cây trở nên cằn cỗi, và cuối cùng thì đến những thảm cỏ úa mầu.
Hệ thống gốc rễ
Tôi không phải là một khoa học gia và tôi cũng không chuyên nghiên cứu về chuyện này. Nhưng theo bản năng tự nhiên khiến tôi nghĩ rằng tiến trình của những sự thay đổi này vào mùa xuân và mùa thu phải có liên hệ đến cách cấu tạo của hệ thống rễ thực vật. Loài cỏ thì tiếp xúc gần với rễ của chúng và mặt đất; vì vậy, chúng hồi phục đầu tiên và sẽ nằm im lìm sau cùng. Ngược lại, những cây to hùng vĩ lại phải đem nước và chất nuôi dưỡng đến thân cây, rồi qua nhánh cây và đến những phiến lá. Sự kiện này khiến những cây cao chót vót sẽ hồi phục chậm hơn và thường hay bị nứt nẻ trong cái khô lạnh và gió lộng của mùa thu. Lá mùa thu cũng cung ứng cho chúng ta những dấu hiệu của mối quan hệ này. Nếu bạn để ý đến một cái lá mùa thu, sẽ thấy sắc tố của nó chạy qua những gân lá chằng chịt khi mà phần lá xa nhất dần dần mục rữa. Đây chính là hệ thống thiên nhiên được thu nhỏ của một bức tranh qui mô vĩ đại.
Vậy thì điểm chính yếu ở đây là gì? Tôi tin tưởng rằng thiên nhiên là một trong những kho sách của Thượng đế mà chúng ta có thể học hỏi nếu chúng ta chịu khó dành thì giờ nghiên cứu. Đối với tôi, dường như mùa xuân và mùa thu là những kẻ nhắc nhở mình về sự quan trọng của mối tương quan giữa chúng ta và Thượng đế. Chúa Giê Su chính là mối quan hệ của chúng ta. Chúng ta thường thích những địa vị cao sang, chính cái đó đã làm chúng ta xa cách với mối tương quan của chúng ta với Thượng đế. Rồi khi cái giá lạnh hay những luồng gió bất an của cuộc đời ập đến, chúng ta rất dễ bị gục ngã. Nếu chúng ta sống càng gần với Thiên Chúa thì chúng ta càng cảm thấy được an tâm hơn. Nếu chúng ta giống như loài cỏ, chúng ta có thể đáp lại nhanh chóng ý muốn của Đức Chúa Trời và sẽ không bị thổi bay bởi những cơn gió rét buốt của thất vọng và khổ đau. Nó có thể không phải là vị trí quyến rũ nhưng ít ra nó an toàn nhất.
Trọn cuộc đời này, tôi chỉ muốn là một con người tốt, được quan hệ gần với Chúa. Thế còn bạn thì sao?
“Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được” (Giăng 15:5)
Donice Palmer
Ngọc Anh phỏng dịch