Một bảng hiệu tốt
Một người đàn ông đang lái xe về hướng cái cầu nhỏ hẹp. Ông để ý thấy có một bảng hiệu gần đầu cầu nói “Ưu tiên cho xe ngược chiều”. Ông đành chạy chậm lại và hướng mắt nhìn sang phía bên kia cầu. Không thấy có xe ngược chiều nào đang tới nên ông cho xe từ từ chạy lên cầu. Hôm sau, trên đường về ông cũng phải đi qua chiếc cầu này. Ông cũng lại nhìn thấy một tấm bảng tương tự như phía bên kia “Ưu tiên cho xe ngược chiều”. Ông thầm nghĩ “Nếu mình không lầm thì bảng hiệu phía bên kia cầu cũng nói y chang như thế này?” Ông tiếp tục lái xe băng qua cầu rồi ngoái nhìn lại thì thấy cả hai bên cầu đều có dựng một bảng hiệu có dòng chữ giống như nhau. “Trời ơi, thật là tốt biết bao khi có những bảng hiệu khích lệ những người điều khiển xe cộ nên luôn nghĩ đến nhau” Ông tiếp tục cuộc hành trình mà lòng miên man suy tư “Ưu tiên cho xe ngược chiều”. Đó quả là một lời nhắn nhủ tuyệt vời, không chỉ áp dụng trên đường mà là cả trong quan hệ thân tình giữa những người điều khiển xe cộ với nhau.
Những bảng hiệu như thế đóng vai trò rất quan trọng cho việc lưu thông trên đường. Chúng giúp xe cộ các loại chạy an toàn hơn và phòng tránh tai nạn xảy ra. Chúng cũng giúp ta biết trước lối ra nào có trạm xăng dầu khi bình nhiên liệu của xe mình sắp cạn. Những kẻ thích khám phá thiên nhiên trên núi cao cũng nhờ những bảng báo hiệu hướng dẫn họ đi đúng hướng, đôi lúc còn cứu cả mạng sống của họ nếu bị lạc lối. Bảng báo hiệu cũng vô cùng hữu ích trong những trường hợp khẩn cấp khi bạn cần tìm một bệnh viện cấp cứu quanh vùng.
Thẻ đeo trên người
Đôi khi bảng hiệu lại không được gắn vào trụ và đặt cạnh lề đường, chúng ở ngay trên bản thân con người. Chẳng hạn như người hâm mộ một đội banh thì đội cái nón mang dấu hiệu của đội banh mình yêu thích. Một phụ nữ đi ngang mặt bạn trong một cửa hàng có đeo trước ngực bảng hiệu “Phụ Tá Quản Lý”. Ngay cả việc một người mặc áo choàng trắng mà bạn gặp trong nhà thương, trên cổ lại đeo lủng lẳng một ống nghe, thì người ấy phải là một y sĩ chứ không thể là người lao công quét dọn.
Chúa tin tưởng vào những dấu hiệu. Đúng ra là Ngài đã ban cho con người một dấu hiệu để biểu tỏ một số việc. Đó là ngày Sa-Bát. Hãy để ý tới câu Kinh Thánh này: “Phần ngươi, hãy nói cùng dân Y-sơ-ra-ên rằng: Nhất là các ngươi hãy giữ ngày sa-bát ta, vì là một dấu giữa ta và các ngươi, trải qua mọi đời, để thiên hạ biết rằng ta, là Đức Giê-hô-va, làm cho các ngươi nên thánh.” (Xuất Ê Díp Tô Ký 31:13). Và ở đâu đó ngày Sa-Bát luôn là một chỉ dấu “Hãy biệt những ngày Sa-Bát ta ra thánh, nó sẽ làm dấu giữa ta và các ngươi, hầu cho các ngươi biết rằng ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi.” (Ê Xê Chi En 20:20).
Giữ ngày Sa-Bát là một dấu hiệu mà Chúa muốn chứ tự chúng ta không thể sắp xếp được. Cơ Đốc nhân không thể qua những việc họ làm để khiến mình là thánh. Ngày Sa-Bát (nghĩa đen là nghỉ ngơi) là một cách của chúng ta nói “Chúa ơi, chỉ có quyền năng của Ngài mới có thể làm thay đổi đời sống con được. Cảm tạ ơn Ngài đã nhắc nhở chúng con mỗi tuần với ngày Sa-Bát để nhớ đến công trình Ngài đã tạo dựng.” Sa-Bát là một dấu hiệu của sự biết ơn Chúa. Nó cũng giống như cái bảng hiệu nhắc nhở ta trước khi băng ngang qua cầu, “Ưu tiên cho Thượng Đế” Đó là một chỉ dấu tốt để chúng ta làm theo trước cuộc hành trình lên thiên đàng.
By Curtis Rittenour
Ngọc-Anh phỏng dịch