Na-ô-mi, Bà Là Ai?
Trong Kinh Thánh, nhiều nhân vật nữ đã được nhắc đến và tỏ ra như là công cụ của Ðức Chúa Trơì. Một khi là công cụ thì mỗi người có một vai trò, một sứ mạng. Cuộc đời họ nằm trong bối cảnh của không gian, thời gian họ đang sống. Thân phận họ nằm trong sự xếp đặt của Chúa, họ có thể là tiên tri, hoàng hậu, nhưng cũng có thể là nông dân, con hầu, là bà vợ, bà mẹ như một người bình thường
Họ cũng được vinh danh, giàu sang, phú quí, nhưng cũng chịu nhiều đớn đau, ba đào, nghịch cảnh. Vì cuộc đời vốn như Kinh Thánh nói, “ngày buồn thì nhiều.” Trong phạm vi bài viết ngắn này tôi chọn một nhân vật trong Cựu Ước, một người đàn bà quê vùng Bết-lê-hem, một thành nhỏ đất Giu-đa.
Bà được nhắc đến vì đã sắm vai mẹ chồng của Ru-tơ. Ru-tơ là một nhân vật nữ được đặt tên cho một sách trong Cựu Uớc. Tuy chỉ vỏn vẹn có bốn trang, nhưng câu chuyện và tình tiết lại khởi đầu cho một biến cố lạ lùng dự báo cho đời sau, vì Ru-tơ đã sanh ra một đứa bé trai sau này trở thành ông nội của vua Ðavít, dòng dõi phần đời theo gia phổ của Ðức Chúa Giê-su.
Nhắc đến Ru-tơ thì con cái Chúa ai cũng biết, nhưng nói đến Na-ô-mi thì có người chưa quen hoặc đã quên, vì bà chỉ là người mẹ chồng bình thường của Ru-tơ. Na-ô-mi là một cái tên rất đẹp thường dành cho phái nữ, tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là ngọt ngào. Bà là người Giu-đa, có chồng cũng là người có vai vế trong thành Bết-lê-hem. Gặp năm đói kém, gia đình phải tha phương xuống vùng Mô-áp, một đồng bằng gần Biển Mặn có sắc dân thờ thần khác. Chẳng bao lâu, chồng mất sớm, bà ở vậy nuôi hai đứa con trai. Lớn lên cho chúng lấy vợ người Mô-áp và lập nghiệp ở đây. Tưởng yên thân nơi xứ lạ, thì bất hạnh ập đến, hai con trai lần lượt qua đời để hai nàng dâu trở thành góa bụa, trong đó có một người tên là Ru-tơ.
Vừa lúc Trời thương, xứ Giu-đa ấm no trở lại, Na-ô-mi nhớ quê muốn trở về xứ để khuây khỏa lúc cuối đời. Bà khuyên hai con dâu nên đi bước nữa, lấy chồng sanh con làm lại cuộc đời. Thường thì mẹ chồng nàng dâu ít khi có sự hạp nhau, chuyện xứ nào cũng vậy. Nhưng không hiểu bà ăn ở làm sao, cảm hóa thế nào, cả hai nàng dâu quấn quít với bà còn hơn là mẹ ruột.
Hai cô nằng nặc theo bà về xứ Giu-đa. Khuyên nài mãi, cô chị chịu về sau khi ôm hôn từ biệt. Nhưng cô em là Ru-tơ lại năn nỉ thưa với bà rằng, “Xin chớ nài tôi phân rẽ mẹ, vì mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân sự của mẹ, tức là dân sự của tôi; Ðức Chúa Trời của mẹ, tức là Ðức Chúa Trời của tôi; mẹ thác nơi nào, tôi muốn thác và được chôn nơi đó. Ví bằng có sự chi khác hơn sự chết phân cách tôi khỏi mẹ, nguyện Ðức Giê-hô-va giáng họa cho tôi!”( Ru-tơ 1:16-18). Ôi! Những lời lẽ chân tình, ngọt ngào nghe cảm động làm sao! Bà Na-ô-mi thấy nàng quyết chí theo mình, thì mặc ý chiều theo.Hai mẹ con trở về quê cũ, làng xóm vui mừng đón nhận. Na-ô-mi chuyện ngắn chuyện dài thuật lại cho bà con lối xóm những buồn vui nơi xứ lạ, đặc biệt chuyện nàng dâu Ru-tơ quyết theo bà về một xứ nàng chưa hề biết trước. Nghe chuyện thuật, một người có quyền thế, vai vế giàu nhất trong làng và cũng là bà con dòng họ bên chồng Na-ô-mi, phải thốt lên, “Nguyện Ðức Giê-hô-va báo đáp điều nàng đã làm; nàng đã đến núp cánh Giê-hô-va Ðức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên; cầu xin Ngài thương cho nàng cách trọn vẹn”(Ru-tơ 2:12).
Ngày tháng trôi qua, Ru-tơ đi mót lúa, làm công, một lòng hiếu thảo, cung dưỡng mẹ chồng. Na-ô-mi thỏa lòng vì cuối đời tạm ổn. Nhưng xót thương cho Ru-tơ, lúc này bà coi như con ruột, vừa đẹp nết, đẹp người, nên bà muốn nàng được ấm thân nơi xứ lạ, không phải vì bà mà phí cả tuổi xuân.
Với kinh nghiệm cả đời, hiểu được lòng người và cách xử thế, bà âm thầm chỉ vẽ đường đi nước bước cho Ru-tơ để một ngày không xa, đưa đẩy xui khiến thế nào mà Bô-ô quyết chí đưa nàng về “dinh”. Ru-tơ vừa được tấm chồng, lòng bà mừng vô hạn. Nay bà lại ước nguyện có đứa cháu “ngoại” bồng bế lúc tuổi già. Ðức Chúa Trơì lại đãi bà một cách dư dật. Ít lâu sau, Ru-tơ ăn ở với Bô-ô sanh được một bé trai kháu khỉnh đặt tên là Ô-bết.
Bà quí Ô-bết như cục vàng, nâng niu nuôi nấng đến nỗi láng giềng phải khen “một đứa trai đã sanh cho Na-ô-mi”(Ru-tơ 4:17). Có cháu là vui, bà không ngờ ơn phước lớn cho cháu bà sau này vì Ô-bết khi về già lại trở thành ông nội của Ðavít, một chồi của gia phổ “khi Ngôi Lời trở nên xác thịt” mấy ngàn năm sau.
Nhìn lại cuộc đời của Na-ô-mi, quả có nhiều gian truân cay đắng, không ngọt ngào như cái tên cha mẹ đặt cho, nhưng tôi vẫn tự hỏi vì sao “một bà già kiều ngụ, ra đi tay trắng, trở về tay không” lại được hai nàng dâu, đặc biệt là Ru-tơ quyến luyến với bà như vậy?
Tất nhiên sự quấn quít bắt nguồn từ những kỷ niệm đầm ấm khi sống chung một mái nhà, từ sự đối đãi ân tình tử tế của Na-ô-mi, hoặc cũng có thể, Ru-tơ muốn trả nghĩa cho bà mẹ của một người chồng một thời chăn gối? Nhưng trên hết, Ru-tơ đã nhìn thấy trong Na-ô-mi một sức mạnh nội tâm, có đức tin vượt trội, dù bao đắng cay vẫn nhẫn nhục chịu đựng nghịch cảnh đổ xuống đời mình. Dù chồng chết, con mất, thân cô thế cô nơi xứ lạ nhưng bà vẫn một lòng trông cậy nơi Ðấng bà đã tôn thờ, về dân sự đã được Chúa chọn và một xứ sở đã được dự ngôn là nơi chào đời của Ðấng Cứu Thế. Không hề tự ti mặc cảm, bà vẫn mạnh dạn làm chứng cho dân ngoại, cho lối xóm chung quanh và gần nhất là cho hai nàng dâu về Thần của bà, về dân của bà, về xứ sở của bà.
Nhưng trăm nghe không bằng một thấy, tự bà phải vượt lên chính bản thân mình, để qua cách sống, cách ăn ở, cách cư xử phản ánh được tình yêu thương, sự tha thứ của Ðấng bà tin. Từ đó lôi kéo, cảm hóa những con người còn u mê trong sự thờ phượng các thần giả theo thói tục quê người biết trở về với Ðấng Tạo Hóa, với Ðức Chúa Trời hầu được ơn cứu rỗi đời đời như Ngài đã hứa.
Cũng qua câu chuyện này, mối quan hệ gắn bó Na-ô-mi ố Ru-tơ đánh tan đi thói đời dị nghị về chuyện mẹ chồng nàng dâu thường thấy trong thế gian, để chứng minh rằng ở đâu có tình yêu thương, có lòng độ lượng thì nơi đó con người dễ sáp lại gần nhau trong tình đồng cảm, bốn bể là nhà, thuận hòa đùm bọc, cùng nhau quay về tôn thờ một Chúa.
Ðỗ Xuân Thảo