Người Sa-ma-ri Nhơn Lành

Trong văn hóa nhiều nơi trên thế giới, “Người Sa-ma-ri nhơn lành” (the Good Samaritan) đã là một danh từ nói về một con người nhân đức và sẵn lòng giúp đỡ tha nhân khi thấy họ gặp hoạn nạn.  Danh từ nầy đến từ một câu chuyện Đức Chúa Jesus kể và được Kinh Thánh ghi lại trong sách của ông Lu-ca 10:25-37:

25 Khi ấy, một luật sư đứng dậy hỏi để thử Ðức Chúa Jesus, “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?” 26 Ngài hỏi lại ông, “Trong Luật Pháp có chép những gì? Ngươi đọc và thấy những gì?” 27 Ông đáp, “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, và hết trí mà yêu kính Chúa là Ðức Chúa Trời ngươi, và ngươi phải yêu người lân cận như mình.” 28 Ngài nói với ông, “Ngươi đáp đúng lắm. Hãy làm như thế, thì ngươi sẽ sống.”

29 Nhưng muốn chứng tỏ mình là người đã giữ đúng theo luật pháp, ông hỏi Ðức Chúa Jesus, “Nhưng ai là người lân cận tôi?”

30 Ðức Chúa Jesus đáp, “Một người kia đi từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-cô dọc đường bị lâm vào tay bọn cướp. Chúng cướp giật hết, đánh đập trọng thương, rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. 31 Tình cờ, một tư tế đi xuống đường ấy; khi thấy nạn nhân, ông đi tránh qua bên kia đường tiếp tục cuộc hành trình. 32 Tương tự, một người Lê-vi cũng đi qua chỗ ấy. Ông lại gần, nhìn nạn nhân, rồi băng qua bên kia đường đi tiếp. 33 Nhưng có một người Sa-ma-ri kia cũng đi con đường đó, khi đến chỗ nạn nhân và thấy nạn nhân như thế, ông động lòng thương xót. 34 Ông lại gần nạn nhân, băng bó các vết thương, lấy dầu và rượu thoa bóp các vết bầm, đỡ nạn nhân lên con vật của mình, và đưa đến một lữ quán để săn sóc. 35 Hôm sau, ông lấy hai đơ-na-ri trao cho chủ quán và nói, ‘Xin ông săn sóc người nầy; nếu tốn kém thêm bao nhiêu, khi tôi trở lại, tôi sẽ trả cho ông.’ 36 Theo ngươi, ai trong ba người đó là người lân cận của người bị sa vào tay bọn cướp?”

37 Ông đáp, “Ðó là người đã tỏ lòng thương xót với ông ta.” Ðức Chúa Jesus bảo, “Hãy đi và làm y như vậy.”

Vị giáo sư dạy luật ở đây rất hãnh diện mình đã sống mẫu mực theo luật pháp và ông cũng hẳn hãnh diện là mình biết thương người, sẵn lòng giúp đỡ “người lân cận” tức là những người thân thiết hay quen biết cần sự giúp đỡ. Nhưng Đức Chúa Jesus, khi định nghĩa “kẻ lân cận”, Ngài định nghĩa rất là bao quát. Họ là người thân, người sơ, và cả những người mình không ưa và họ cũng chẳng ưa mình. Đó là lý do vì sao Ngài dùng người Sa-ma-ri trong câu chuyện của Ngài.

Hằng trăm năm, trong lịch sữ của người Do Thái, từ trước khi Đức Chúa Jesus sanh ra, người Sa-ma-ri và người Do Thái đã không ưa nhau. Người Sa-ma-ri cũng là gốc Do Thái nhưng  họ đã ở lẫn lộn và lai căng với người A-si-ri là người ngoại giáo và không tin Đức Chúa Trời. Lịch sữ của  hai nhóm người nầy đã có nhiều hiềm khích. Người Do Thái thời Đức Chúa Jesus coi thường và khinh bỉ người Sa-ma-ri đến độ họ không muốn đi những con đường nào mà đi ngang vùng đất của Sa-ma-ri; và người Sa-ma-ri cũng khuấy phá và hà hiếp người Do Thái nếu họ lai vãng đến vùng đất của họ.

Trong câu chuyện Chúa kể, Ngài đã dùng một người Sa-ma-ri để cho thấy ông ta là một người hoàn toàn xa lạ với người bị nạn, và hơn nữa ông ta còn là một người thuộc vào thành phần bị khinh bỉ và xem thường. Nhưng ông ta lại là người duy nhất dừng chân lại  để cứu người bị nạn. Mà không chỉ giúp lúc ấy mà thôi, ông ta còn bỏ thì giờ đi ngược đường mình đang đi, đặng mang người bị nạn đến một nơi để người ấy được chăm sóc và tĩnh dưỡng; và chưa hết, ông ta còn trang trãi mọi chi phí và còn hứa, nếu còn thiếu bao nhiêu ông sẽ trở lại thanh toán tất cả. Và ông ta làm tất cả các điều ấy chỉ vì, theo lời Chúa nói, “ông động lòng thương xót”.

Người Sa-ma-ri ấy đã được gọi là người Sa-ma-ri nhơn lành vì người đã có lòng thương người, bất kể nạn nhân là ai. Ông không cần biết đó là người khác văn hóa, khác chủng tộc, khác tôn giáo hay là kẻ thù của dân tộc ông, ông ta không nhìn thấy các điều ấy, ông chỉ thấy thương một người đồng loại đang gặp cảnh khốn cùng.

Qua câu chuyện nầy, Đức Chúa Jesus dạy chúng ta rằng, tình yêu thương người đồng lọai của chúng ta phải là một tình yêu không phân chia giai cấp hay thành kiến. Kinh Thánh khẳng định, “Đức Chúa Trời là sư yêu thương”. Nếu chúng ta không có sự yêu thương trong mình, tức là chúng ta không có Chúa trong ta, “ai chẳng yêu thì không biết Đức Chúa Trời.” Và còn quan trọng hơn nữa: khi chúng ta làm điều nhân nghĩa cho bất cứ ai cần được cứu giúp, ấy là chúng ta đã làm điều nhân nghĩa cho chính Chúa rồi. “Quả thật, Ta nói với các ngươi, hễ các ngươi đã làm những việc ấy cho một người nhỏ nhất trong các anh em nầy của Ta, các ngươi đã làm cho Ta.” (Ma-thi-ơ 25:40).

Ngọc-Liên