Những câu chuyện của Ông Nội
“Ông Lardas ơi, văn ông viết thật hay” “Ông có bằng lòng viết dùm quá trình lịch sử của gia đình tôi không?” Người đàn bà hỏi. “Có nhiều chuyện hấp dẫn lắm ông ạ!”
Tôi chưa hề nói không với ai cả. Tôi biết lịch sử gia đình của họ rất lôi cuốn. Hầu hết những chuyện trong gia đình nghe đều hấp dẫn. Nhưng tôi cho bà ta biết là việc nhờ tôi nghiên cứu các dữ liệu trước khi đặt bút viết sẽ rất đắt và ít người có thể đủ sức mướn tôi làm chuyện này. Tôi phải cho bà hiểu được tôi phải bỏ ra biết bao là công sức nên tôi không thể làm không công cho ai được.
Thực ra điều quan trọng nhất là nắm bắt được những diến tiến trong một gia đình. Bạn không cần phải phí tiền tìm mướn người viết chuyên nghiệp. Bạn cũng không cần phải là một người biết viết văn cho hay. Bạn có thể làm chuyện đó bằng lời nói thay cho ngòi viết.
Chúng tôi đã làm như vậy với gia đình mình. Ông bố chồng của tôi năm nay 90 tuổi. Ông thường ghé nhà chúng tôi dùng cơm chiều mỗi cuối tuần. Sau bữa ăn ông thích kể đủ mọi thứ chuyện liên quan đến gia đình của ông. Mỗi lần nghe xong thì mọi người đều muốn ghi giữ những gì ông nói, nhưng ông lại không thích ngồi viết ra.
Cách nay vài tuần lễ, tình cờ tôi mua được một cái máy nghe nhạc MP3, nhưng tôi chỉ dùng để nghe truyện đọc trong lúc đi chung xe với bạn đến sở làm. Cái máy MP3 đó của tôi – rất rẻ - nhưng nó lại có cả chức năng thu âm rồi lưu giữ lại trong máy vi tính. Thế là tôi nghĩ đến việc dùng nó để lưu giữ những câu chuyện mà ông Bố Chồng tôi thường kể bằng cách lưu vào máy MP3 này.
Sau đó tôi chuyển tất cả các dữ liệu sang máy vi tính của tôi. Một khi các dữ liệu nằm trong máy vi tính rồi thì bất kỳ ai trong gia đình cần đến, tôi đều có thể in ra cho họ vài bản. Như vậy chúng ta không chỉ lưu giữ lại lịch sử của gia đình mình mà ta còn có thể chia xẻ cùng mọi người một cách dễ dàng nữa.
Dịch vụ sao chép dữ liệu
Người con trai lớn của chúng tôi sống và làm việc trong một thành phố khác, khá xa nên không tiện về thăm viếng và họp mặt thường xuyên được, nhưng nó lại muốn có những bản sao chép “Chuyện của Ông Nội” nó. Những dữ liệu lại quá lớn không thể chuyển qua điện thư (email). Vì thế con trai tôi đề nghị tôi dùng một dịch vụ trên mạng lưới toàn cầu internet có tên là “Dropbox”. Dịch vụ này cho phép tôi chuyển toàn thể dữ liệu vào một máy chủ, từ đó bất cứ ai trong gia tộc sống ở bất kỳ nơi nào, nếu muốn sao chép dữ liệu của tôi đều có thể làm được qua mạng lưới internet.
Sau này tôi cũng khám phá ra một số cách khác cũng có thể làm tương tự như trên, chẳng hạn như với hộp thư Hotmail.com, khi bạn đính kèm những dữ liệu quá lớn, nó sẽ tự động chuyển vào máy chủ và từ đó bất cứ khi nào ai có liên quan cần đến đều có thể tải xuống sau.
Những dữ liệu này, một khi đã được lưu lại trong máy chủ rồi, sẽ nằm trong đó mãi mãi. Khác với những phim ảnh ngày xưa thời ba má tôi được lưu giữ dưới dạng 8mm trong thập niên 60, phải dùng đúng loại máy phát của nó thì mới xem được.
Nhờ những kỹ thuật tân tiến này mà không chỉ con tôi mới có thể nghe được những chuyện của Ông Bà nó – mà cả những thế hệ cháu chắt sau này của tôi cũng đều có thể tìm nghe được nếu chúng muốn. Chúng tôi luôn đề rõ ngày tháng và nơi thu âm, cũng như luôn nhắc nhở ba tôi nói rõ tên tuổi của ông để cho đàn cháu chắt trong tương lai sau này còn biết Ông chúng nó là ai.
By Mark Lardas
Ngọc-Anh phỏng dịch