Sự Nhịn Nhục Đích Thực

Nhịn nhục đích thực có nghĩa là gì? Vừa rồi nhà thờ chúng tôi đã cử hành lễ tiệc thánh, lần này Chúa đã gây cho tôi một ấn tượng, cảm kích đặc biệt với những lễ nghi đầy khiêm tốn kèm theo sự nhịn nhục qua hình ảnh rửa chân. Nếu bạn không biết về câu chuyện này thì bạn có thể tìm thấy trong Kinh Thánh, qua những đoạn Giăng 13 hoặc sự đau đớn, chết và sống lại của Đức Chúa Giê-Su trong Ma-Thi-Ơ 26, Mác 14 và Lu-Ca 22.

Chúa Giê-Su và những môn đồ đã dùng bữa ăn tối lần cuối với nhau trong ngày lễ Vượt Qua. Ngài đã cho họ biết rằng thân xác của Ngài sẽ phải chịu đớn đau và rồi Ngài sẽ chết, nhưng chẳng hiểu sao các đệ tử của Ngài đã không thể vượt qua được những tham vọng vị kỷ của chính họ. Mỗi người trong bọn họ đều mong rằng mình sẽ là người có quyền uy nhất trong vương quốc ở trần thế, mà họ vẫn tin tưởng là Chúa Giê-Su sắp sửa thiết lập. Trong lúc đó, theo phong tục ngày lễ này thì đến sự rửa chân cho khách, nhưng chậu nước và khăn lau chân vẫn nằm im không ai đụng đến. Có lẽ vì sự thiếu vắng của người hầu để làm những việc hạ cấp này và chẳng một ai trong đám môn đồ lại hãnh diện làm chuyện ấy. Họ cằn nhằn, cãi nhau về việc ai sẽ quì xuống để rửa chân cho người khác. Chúa biết rằng những môn đồ của Ngài sẽ cần một bài học cuối cùng về sự nhún nhường, nên Chúa đã lặng lẽ quì xuống và bắt đầu công việc rửa những bàn chân bẩn thỉu cho bọn họ.

Và tôi bắt đầu tự kiểm tra cái khả năng của chính mình. Tôi nghĩ tôi đã khúm núm, nhịn nhục đủ bởi vì tôi đã không đặt nặng những việc làm thấp hèn như thế nếu tôi chỉ làm trong một thời gian ngắn. Bạn biết không? Tình nguyện làm việc hết lần này đến lần khác tại nhà thờ. Tôi nghĩ là mình đã đủ tiêu chuẩn để đạt được điểm “Nhịn nhục” vì đã nhiều lần tôi đã làm cả những việc ngoài tầm tay của mình, đôi lúc tôi cảm thấy cố gắng làm những việc như vậy cũng gây những bất tiện cho mình Tôi cho rằng tôi đã đạt được sự nhịn nhục bởi vì tôi thường không thích khoe khoang hay khoác lác (hay ít ra cũng không để lộ những thái độ nầy)

Những Niềm Tự Hào Nhỏ Nhoi

Khi tôi cầu nguyện Chúa về những chuyện này, tôi chợt nhận ra mình đã sai lầm. Những chuyện trên chỉ là một khởi đầu tốt lành, và Chúa Giê-Su đã đưa tôi đi sâu hơn vào sự nhịn nhục trong những lãnh vực khác mà khởi đầu tôi đã không nhận ra những điều ấy như là những niềm tự hào.

Nhịn nhục đích thực không phải là bị lôi cuốn vào sự so sánh mình với người khác để thuận lợi hơn cho mình. Bạn có còn nhớ cuộc đàm luận trong Kinh Thánh của Chúa Giê-Su về người Pha-ri-si cảm tạ Chúa vì người nầy không làm điều tội lỗi như kẻ thu thuế?  “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện thầm như vầy: Lạy Đức Chúa Trời, tôi tạ ơn Ngài, vì tôi không phải như người khác, tham lam, bất nghĩa, gian dâm, cũng không phải như người thâu thuế này …. Người thâu thuế đứng xa xa, không dám ngước mặt lên trời, đấm ngực mà rằng: Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội!...” (Lu-Ca 18:9-14) 

Nhịn nhục đích thực cũng không đòi hỏi phải đối đáp rõ ràng trong một cuộc tranh luận. Chúa Giê-Su đã không. Trong phiên tòa xử Ngài, khi bị buộc tội bởi các thầy tế lễ cả và các trưởng lão kiện Ngài . Ngài đã không đối đáp gì hết – dù chỉ là một lời cho mỗi tội trạng – khiến quan tổng đốc lấy làm lạ lắm. (Ma-Thi-Ơ 27:12—14)

Nhịn nhục thực sự cũng không phải là làm rùm beng lên cho to chuyện. Ngay cả khi bị khinh miệt hay bị sỉ nhục. Thay vào đó, “nếu ai vả vào má bên hữu ngươi, thì hãy đưa má bên kia cho họ luôn; nếu ai muốn kiện ngươi đặng lột cái áo vắn, hãy để họ lấy luôn cái áo dài nữa; nếu ai bắt ngươi đi một dặm đường, hãy đi hai dặm với họ. Ai xin của ngươi, hãy cho, ai muốn mượn của ngươi thì đừng trớ” (Ma-Thi-Ơ 5:38-42)

Sự nhịn nhục đích thực càng không nên được lưu luyến hay đề cao đến những thành quả cá nhân, diện mạo hay tài sản – ngay cả khi nó nằm kín đáo trong tâm trí của mình. Mà nó phải được tập trung đến người khác và được hướng lên Đức Chúa Trời. Cuối cùng “Nầy là điều thứ nhất: Hỡi Y-sơ-ra-ên, hãy nghe, Chúa, Đức Chúa Trời chúng ta, là Chúa có một. Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi. Nầy là điều thứ hai: Ngươi phải yêu kẻ lân cận như mình. Chẳng có điều răn nào lớn hơn hai điều đó.” (Mác 12:29-31)
Cả hai điều răn trên gần như không thể làm được nếu như bạn không thể biết quên mình.

Vậy tôi thân mến kêu mời bạn hãy cầu nguyện cho có được sư nhún nhường và xin Chúa chỉ dẫn cho bạn, dù chỉ là một niềm tự hào nhỏ nhoi có thể chấp nhận được, đang ẩn dấu trong tim.

Hannah Henry
Ngọc-Anh phỏng dịch