Tinh Thần Trách Nhiệm 

Khi hai đứa sanh đôi vừa bước vào tuổi 11, bố mẹ chúng quyết định cho phép chúng được có một chiếc TV trong phòng ngủ của chúng. Ben và Aaron, tên hai đứa bé sanh đôi, đã vô cùng hứng thú dù chúng chỉ được phép xem TV tối đa là 60 phút một ngày mà thôi. Cả hai đứa đều cảm thấy biết ơn bố mẹ chúng vô vàn vì đã biến giấc mơ của chúng thành hiện thực. Mọi việc trôi qua tốt đẹp trong một thời gian đầu, rồi từ từ bố mẹ chúng bắt đầu để ý thấy có những lúc TV vẫn mở mà chẳng có đứa nào trong phòng cả.

Một hôm ông bố tình cờ đi ngang qua phòng ngủ hai đứa, nhìn vào trong ông thấy TV đang chiếu bộ phim hoạt hình mà các con ông ưa thích, nhưng lại không thấy bóng dáng đứa nào ở trong phòng. Mệt mỏi vì hóa đơn tiền điện hàng tháng ngày một cao và sự không biết điều của hai thằng con trai sanh đôi, ông bố nhất định tìm cho ra lẽ xem đứa nào là thủ phạm của việc bật TV lên rồi bỏ đi chỗ khác chơi. 

“Đứa nào bật TV trong phòng ngủ lên rồi không xem?” Ông quát lên. Cả hai thằng bé nơm nớp lo sợ, riu ríu ngồi vào một góc phòng nhưng không đứa nào nhận tội cả. Ông hỏi lại một lần nữa “Ai là người bật TV lên?”

Aaron trả lời: “Con rời khỏi phòng trước, lúc đó thằng Ben đang xem thì nó phải là người tắt TV.” 
Ben nhanh nhẩu đáp lại: “Không, không, Aaron bật TV lên coi trước thì nó là người có nhiệm vụ phải tắt đi trước khi ra khỏi phòng!”

Chiều hôm sau, khi chúng từ trường học về đến nhà, việc đầu tiên chúng phát hiện ra khi bước vào phòng ngủ là thấy cái TV của chúng đã không cánh mà bay. Ban đầu chúng nghĩ căn nhà đã bị kẻ trộm viếng thăm, nhưng lại chẳng có gì suy xuyển cả. Chỉ mỗi cái TV của chúng biến mất mà thôi. Thế là chúng chạy khắp nơi để tìm “Chuyện gì đã xảy đến cho cái TV của chúng mình nhỉ?” Chúng la lên như vậy và đi vào từng phòng một để lục lọi. Khi chúng bước xuống nhà kho, chúng thấy ngay cái TV của chúng nằm trên kệ. Có một mảnh giấy trắng lớn dán trên màn hình với dòng chữ: “TV này đang chờ đợi kẻ nào có tinh thần trách nhiệm đem về phòng”

Một bài học nhớ đời

Tôi nghĩ Ben và Aaron rồi ra cũng OK mà thôi. Bố mẹ chúng đang dạy chúng một bài học về tinh thần trách nhiệm. Nhưng bạn thì thế nào? Bạn đang nhận trách nhiệm ra sao về những hành động của bạn? Dĩ nhiên không chỉ những việc tốt mà bao gồm cả những việc không tốt nữa. Trong thời đại này việc đứng ra nhận trách nhiệm về những hành vi của mình dường như đã mai một theo cánh chim bay. Những người dám can đảm nhận trách nhiệm cho những hoạt động của họ quả thật là hiếm hoi, đa số chỉ lo tìm những sự việc hay ai đó để đổ lỗi như là nguyên nhân của sự sai trái. Cứ vài tuần chúng ta lại nghe tin một nhà lãnh đạo cao cấp của một doanh nghiệp bị truất phế một cách xấu hổ. Nhưng vẫn không nghe một ai đứng ra nhận lãnh trách nhiệm về sự xuống dốc của công ty, trong lúc người ta lại cố đi tìm một nguyên nhân khác để đổ lỗi.

Nhận trách nhiệm về hành vi của mình thật không dễ chút nào. Vậy bước đầu tiên để sửa đổi là phải biết thú nhận về những trở ngại trước mắt và không nên đổ lỗi cho ai.

Tôi không nghĩ tinh thần trách nhiệm đã được mọi người trong xã hội tôn trọng theo đúng nghĩa của nó. Dường như chỉ có khi nào mọi chuyện tiến triển tốt đẹp thì người ta mới sẵn lòng đứng ra nhận trách nhiệm, mà nhiều khi việc người đó làm chẳng liên quan gì đến thành quả tốt đẹp đó. Một vài tổ chức khủng bố trên thế giới muốn thiên hạ biết đến sự hiện diện của tổ chức bọn chúng hùng mạnh hay dã man cỡ nào đôi lúc lại dành nhau nhận lãnh trách nhiệm. Có phải tinh thần trách nhiệm rốt cuộc là như vậy không?

Đã đến lúc chúng ta cần làm một sự thay đổi. Đặc biệt là những nơi quan tâm đến việc dạy dỗ con trẻ về tinh thần trách nhiệm. Kinh Thánh nói: “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm-Ngôn 22:6)

Mỗi ngày hãy cố gắng có trách nhiệm về những việc mình làm, dù là việc xấu hay tốt hoặc chuyện chẳng ra gì đi nữa. Nếu chúng ta không dạy dỗ con cái mình về tinh thần trách nhiệm – thì ai sẽ làm chuyện đó? Hãy là một ví dụ điển hình cho người khác trong cuộc sống. Chúng ta có thể không đủ khả năng chi phối toàn thế giới nhưng chúng ta có thể cố gắng tác động đến những người chung quanh mình.

By Maxine Young

Ngọc-Anh phỏng dịch